Huyện Cái Nước hiện có trên 30.000 ha nuôi thuỷ sản, trong đó có 2.000 ha nuôi tôm công nghiệp. Đặc biệt, thời gian gần đây loại hình nuôi tôm siêu thâm canh đang được nông dân quan tâm đầu tư và nhân rộng; chủ yếu được chuyển đổi từ ao đầm tôm nuôi công nghiệp, kết hợp với trải bạt và tăng cường hệ thống ôxy.
Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Loại hình nuôi tôm siêu thâm canh này tuy vốn đầu tư lớn và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật khá cao, nhưng bù lại tỷ lệ nuôi thành công rất cao, năng suất tôm nuôi tăng gần gấp 10 lần so với loại hình tôm nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề nguy cơ ô nhiễm môi trường là không nhỏ, khi người nuôi tôm chưa áp dụng đúng quy trình ao lắng và ao xử lý.
Đối với tôm thẻ chân trắng, chỉ số thức ăn từ 1-1,2. Có nghĩa, để nuôi được 1 kg tôm thẻ chân trắng thương phẩm loại 100 con/kg, người nuôi phải đầu tư từ 1-1,2 kg thức ăn cho tôm. Do đó, mỗi héc-ta tôm nuôi siêu thâm canh cho thu hoạch từ 40-50 tấn tôm thương phẩm, lượng thức ăn đưa xuống ao đầm từ 40-60 tấn. Sau khi tôm sử dụng xong, thải ra môi trường một khối lượng chất dơ bẩn không hề nhỏ.
Chưa kể đến các loại hoá chất, vi sinh sử dụng trong suốt quá trình nuôi tôm và được thải ra bên ngoài. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mà còn tiềm ẩn xảy ra dịch bệnh trong nuôi tôm, khi bà con nông dân chưa thực hiện đúng quy trình tôm nuôi siêu thâm canh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Đẩy mạnh các giải pháp bền vững
Đã qua, ngành chuyên môn huyện Cái Nước phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động bà con nông dân về các điều kiện nuôi tôm siêu thâm canh nhằm bảo vệ môi trường nước trong nuôi tôm. Cụ thể như: diện tích ao nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch; được cơ quan chức năng thẩm định; có giao thông đi lại thuận lợi; nguồn điện ổn định và chủ động nguồn nước trong suốt quá trình nuôi. Đặc biệt phải đảm bảo diện tích ao ương, ao lắng, ao xử lý và ao nuôi riêng biệt.
Điều đáng phấn khởi, qua tuyên truyền vận động hầu hết bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện đều nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi tôm và thực hiện đúng theo quy trình ngành chuyên môn khuyến cáo. Ông Huỳnh Diện, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, là người đi tiên phong áp dụng nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Cái Nước, cho biết, trước khi triển khai thực hiện nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh trong xã viên, bản thân ông đã đi nhiều nơi học hỏi và được một số người có kinh nghiệm chia sẻ.
Để thực hiện thành công loại hình tôm nuôi siêu thâm canh, tiêu chí đầu tiên người nuôi phải thực hiện tốt khâu bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi triển khai cho xã viên thực hiện, ông luôn tuyên truyền, nhắc nhở xã viên phải thiết kế đầy đủ ao ương, ao lắng, ao xử lý và nuôi như khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Đặc biệt, nguồn nước thải và chất thải của tôm nuôi, đều được xử lý trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Nhờ vậy mà môi trường nguồn nước luôn ổn định, giúp tôm nuôi phát triển nhanh, tỷ lệ đạt đầu con cao và hạn chế dịch bệnh. Hầu hết các xã viên hợp tác xã áp dụng thành công loại hình tôm nuôi siêu thâm canh.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Nước Nguyễn Trúc Giang phấn khởi cho biết: Bà con nông dân luôn có ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi tôm và thực hiện khá tốt quy trình kỹ thuật khuyến cáo của ngành chuyên môn. Toàn huyện có tổng số 69 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh, tổng diện tích gần 100 ha. Trong đó, diện tích các công trình phụ 80 ha và gần 20 ha còn lại là diện tích ao nuôi. Qua thẩm định, hầu hết các hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện đều đảm bảo điều kiện thả nuôi theo quy định".
Riêng đối với loại hình nuôi tôm công nghiệp, toàn huyện có trên 2.000 ha với hơn 4.000 hộ dân đã và đang thả nuôi, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục thẩm định. Ngoài ra, huyện tiếp tục kết hợp tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện đúng quy trình thả nuôi, kể cả tôm nuôi quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường, giúp tôm nuôi phát triển bền vững.