Thực tế, thời gian qua, không ít hộ dân điêu đứng vì tôm thả chỉ một thời gian ngắn đã chết do kém chất lượng, dễ mắc các dịch bệnh. Theo các chuyên gia ngành thủy sản, nếu nguồn tôm giống tốt thì mức độ thiệt hại cao nhất chỉ khoảng 30% khi dịch bệnh xảy ra. Ngược lại, với các giống tôm trôi nổi thì tỷ lệ này lên tới 70%. Các hộ nuôi tôm đều nắm được “nguyên lý” này nhưng do giá tôm giống trôi nổi thường rẻ hơn, thậm chí rẻ hơn một nửa so với tôm giống có kiểm định chất lượng cho nên người mua vẫn “làm liều”. Hệ quả là dịch bệnh trên tôm nuôi dễ bùng phát, lây lan sang cả những diện tích có tôm giống sạch.
Tại Cà Mau, nhằm hỗ trợ người nuôi tôm tránh rủi ro, từ mấy mùa vụ nuôi tôm gần đây, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, hạn chế tình trạng tôm giống kém chất lượng nhưng kết quả thu được vẫn chưa đáng kể. Tới đây, người nuôi tôm mong muốn tất cả chủ trại sản xuất tôm giống trong tỉnh phải cam kết sản xuất tôm giống sạch, trước khi đưa tôm giống ra thị trường phải qua kiểm tra chất lượng của cơ quan chức năng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống nhập khẩu vì đây là nguồn tôm giống trôi nổi, thường là không rõ nguồn gốc và được bày bán khắp nơi trên thị trường, gây khó khăn trong lựa chọn cho người nuôi tôm.
Theo đó, đối với tôm giống nhập vào tỉnh, cần được cấp chứng nhận đăng ký sản xuất tôm giống của các cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm một số yêu cầu như nguồn gốc, xuất xứ chất lượng, kiểm dịch. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người nuôi tôm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng phát hiện những thương lái bán tôm giống kém chất lượng để có biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời.
Trong nuôi trồng thủy sản, tôm là một trong những mặt hàng mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi nhưng cũng đối mặt với nguy cơ lớn về dịch bệnh. Chính vì vậy, kiểm soát tốt quy trình nuôi ngay từ khâu đầu tiên là giống tôm sẽ hạn chế được nhiều rủi ro, giúp nghề này phát triển bền vững.