Có được kết quả trên là do trong năm 2017, Trường đại học Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau chuyển giao kỹ thuật cho loại hình nuôi này. Đó là kỹ thuật nuôi tôm càng xanh ở mật độ cao hơn, có kiểm soát môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, sử dụng ao dèo tôm và tôm giống càng xanh toàn đực.
Đầu ra tôm càng xanh cũng khá ổn định, với giá từ 105-160 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, nông dân còn lãi từ 15-30 triệu đồng/ha.
Tại buổi tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh năm 2017 do Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Thới Bình tổ chức chiều 18/5 đã đặt ra nhiều vấn đề như: dự báo diện tích nuôi năm 2018 sẽ tăng lên 14.000 ha, ước sản lượng sẽ đạt 2.665 tấn, tổng nhu cầu con giống khoảng 208 triệu con. Trong đó, nhu cầu giống tôm càng xanh toàn đực khoảng 40 triệu con. Vấn đề đầu ra tôm càng xanh, Camimex, Quốc Việt cũng đưa ra các tiêu chí về chất lượng, kích cỡ tôm để doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu… Với các lợi thế trên, mô hình nuôi tôm càng xanh trên địa bàn huyện Thới Bình nói riêng, Cà Mau nói chung sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai quy trình kỹ thuật nuôi cho từng địa phương. Cải tạo ao đầm phải đúng kỹ thuật, làm sao phải tổ chức người dân cùng 1 khu vực liên kết với nhau cùng cải tạo; tăng cường quản lý con giống tôm càng xanh, nhất là liên kết chặt chẽ với Trung tâm giống thủy sản An Giang để cung ứng con giống tôm càng xanh toàn đực cho người dân. Ngoài ra, phải nhân rộng các mô hình điểm, hiệu quả cao của trường Đại học Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông. Đồng thời liên kết nâng cao hệ thống tiêu thụ nội địa, tổ chức theo chuỗi liên kết để mô hình này phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.