Đã vậy, hơn tháng nay lại xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc tập trung thu mua tôm nguyên liệu với giá cao, điều này đã khiến một số người có trách nhiệm cảm thấy lo lắng.
Người nuôi… "ngồi trên lửa"
Thấy tôm có giá mà diện tích nuôi liên tiếp bị thiệt hại, ông Trần Công Trung, Ấp 3, xã Thới Bình không khỏi bồn chồn. Ông Trung cho biết: “Khi thấy vụ lúa trên đất nuôi tôm không thể thu hoạch được, tôi liền xả nước mặn vào để mong vớt vát vụ tôm. Nhưng khi lấy nước vào thì liên tiếp gặp nắng hạn nên lượng nước ngọt trong ao bốc hơi nhanh, độ mặn tăng cao, tôm chết hết. Sau vụ lúa - tôm gần như thiệt hại trắng đó, tôi dọn dẹp lại ao đầm và tiếp tục cho nước vào nuôi tiếp cũng với mong muốn vớt vát phần nào vụ mùa năm nay. Nhưng rồi mưa nắng thất thường những ngày qua đã làm cho vuông tôm gần 2 tháng tuổi của tôi ra đi không trở lại. Thấy giá tôm cứ lên vùn vụt mà xót cả ruột. Năm nay sao mà làm ăn khó khăn quá!”.
Ðiệp khúc được mùa, rớt giá và mất mùa, được giá là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong thời điểm tôm nguyên liệu đang thiếu hụt thì thương lái Trung Quốc lại tập trung thu mua đã khiến nhiều người ái ngại.
Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau, trăn trở: “Nơi cung cấp nguyên liệu chính cho Trung Quốc là Ecuado. Tuy nhiên, vừa qua nước này bị sự cố động đất nên dẫn đến thiệt hại trong sản xuất, từ đó nguồn cung cho Trung Quốc bị thiếu cục bộ. Ðã vậy, Ấn Ðộ lại rơi vào trái vụ tôm nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho thị trường Trung Quốc bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến nhu cầu gom hàng của thương lái nước này càng cao. Việc gom hàng này cũng đã ít nhiều đem đến lợi ích trước mắt cho người nuôi tôm Cà Mau, tuy nhiên, về lâu về dài thì vấn đề thiếu nguyên liệu sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn”.
Doanh nghiệp xuất khẩu bất an
Nhận định về thị trường ngành tôm, ông Lê Văn Quang, Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cho rằng: “Vài năm trở lại đây ngành tôm của Việt Nam bất ổn, trong khi giá thành sản xuất cao, mà tính cạnh tranh lại thấp. Con tôm Việt Nam không có chất lượng tốt nên khi cạnh tranh ở các thị trường như Mỹ, EU gặp nhiều khó khăn”.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tổng sản lượng tôm nuôi 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 134.000 tấn (bằng 40% kế hoạch, tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước). Sản lượng tôm giảm là do ở một số huyện xuất hiện dịch bệnh trên tôm như bệnh hoại tử gan tuỵ, đốm trắng trên tôm công nghiệp, bệnh đỏ thân... Bên cạnh đó, do nắng hạn kéo dài, độ mặn tăng cao làm cho tôm nuôi chậm phát triển; thậm chí, nhiều diện tích gần như bị thiệt hại trắng.
Nuôi trồng gặp khó kéo theo bức tranh về xuất khẩu cũng chẳng mấy sáng sủa. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình nuôi khó khăn khiến nông dân bất an. Nhiều hộ giảm diện tích nuôi hoặc chưa dám nuôi, nên sản lượng tôm thiếu hụt. Hiện tôm thẻ loại 100 con/kg giá 103.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá vượt ngưỡng 300.000 đồng/kg… Dù giá tôm rất cao, nhưng các nhà máy chế biến khó mua bởi sản lượng tôm không nhiều và bởi sự cạnh tranh về giá với thương lái Trung Quốc.
Ông Ngô Thanh Lĩnh cho rằng: “Ðiều kiện nuôi tôm năm nay khó khăn nên sản lượng sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu. Dự báo các nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau chỉ có thể hoạt động khoảng 50-60% công suất. Vì vậy, chỉ tiêu xuất khẩu tôm năm 2016 mà tỉnh Cà Mau đưa ra hơn 1,2 tỷ USD, nhưng dự kiến chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD”.
Ông Lê Văn Quang cho rằng, khó khăn lớn nhất của ngành thuỷ sản hiện nay là tình trạng chưa kiểm soát được dư lượng kháng sinh, hoá chất trong nuôi trồng và chế biến. Do đó, Bộ NN&PTNT cần khẩn trương hơn trong việc kiểm soát vấn đề này. Nếu thực hiện nghiêm ngặt, sản lượng thuỷ sản có thể giảm, nhưng chất lượng sản phẩm sẽ được cải thiện hơn, đảm bảo uy tín của thuỷ sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, những khó khăn do hội nhập đem lại như các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch, dư lượng kháng sinh, hoá chất, giá thành sản xuất cao… vẫn luôn là thách thức lớn đối với ngành hàng này.
“Theo đó, việc tiếp cận chuỗi sản xuất đi từ trại giống, thức ăn, thuốc thú y, vùng nuôi, hệ thống xử lý nước, nhà máy chế biến... chúng ta đang thả nổi hoặc nếu có quy định thì chưa chặt chẽ hoặc không quản lý sát sao ở một số công đoạn. Ðiều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho việc truy xuất nguồn gốc theo quy định bắt buộc hiện nay của các thị trường thế giới,” ông Lê Văn Quang khẳng định.
Mặc dù theo báo cáo của UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản những tháng đầu năm 2016 vẫn tiếp tục tăng nhẹ, nhưng theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến thì sự tăng này không đáng kể vì nguyên liệu của năm 2015 còn tồn kho nên việc chế biến chưa gặp khó nhiều. Những tháng còn lại của năm mới thật sự gay go, vì rằng nguồn nguyên liệu bị ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên sụt giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó là sự cạnh tranh về giá với các thương lái Trung Quốc khiến nguyên liệu càng trở nên “đắt hàng”, việc sản xuất của doanh nghiệp trong tỉnh bị thu hẹp, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khó đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu như tỉnh không có giải pháp hiệu quả giúp đỡ./.