Bất cập
Theo UBND thành phố Cần Thơ, tính đến ngày 14/8/2012, diện tích nuôi cá tra của Cần Thơ đạt 933 ha, tăng hơn so với 818 ha trong 9 tháng đầu năm 2011, sản lượng đạt 81.844 tấn, giảm 17% so cùng kỳ năm ngoái. Diện tích tăng nhanh được lý giải là do nhiều hộ dân đã tự phát đào ao trên nền đất lúa để ương nuôi cá tra giống.
Năm 2011, giá cá tra giống loại 2 cm/con (30 - 32 con/kg) có thời điểm lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg (2.500 - 3.000 đồng/con). Đầu năm 2012, giá cá giống giảm còn 45.000 - 55.000 đồng/kg, nhưng người nuôi vẫn thu lợi nhuận đáng kể, vì giá thành cá tra giống dao động từ 16.000 - 20.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm). Chính điều này đã kích thích nhiều hộ nuôi mở rộng diện tích, thậm chí một số hộ tự phát đào ao trên nền đất lúa, dù chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Việc tăng diện tích, chủ yếu tự phát, trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật không theo kịp đã bộc lộ nhiều bất cập. Trước hết là việc quy hoạch vùng nuôi, nhất là quy hoạch thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, chất lượng con giống chưa được kiểm soát, lạm dụng sử dụng hóa chất, thuốc chữa bệnh trong nuôi thâm canh, thức ăn chất lượng kém... Cộng với việc, người nuôi vẫn còn tập quán nuôi cá tra mật độ quá dày (khoảng 35 con/m2), nhiều hơn mức khuyến cáo, khiến cá chậm lớn, chi phí thức ăn tăng, dịch bệnh dễ xảy ra... Khi dịch bệnh xảy ra, năng lực quản lý môi trường và dịch bệnh còn yếu, chất lượng sản phẩm không ổn định, gây khó khăn trong khâu tiêu thụ...
“3 giảm”, “3 tăng”
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng Cần Thơ đã chú trọng phát triển mô hình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường, kiểm soát chất lượng giống... Đặc biệt, tỉnh khuyến cáo người nuôi thực hiện “3 giảm”, “3 tăng”. Trong đó, “3 giảm” là giảm mật độ thả nuôi (còn 20 - 25 con/m2 ao), giảm sử dụng thuốc kháng sinh (chỉ sử dụng khi thật cần thiết) và giảm xả chất thải trong ao nuôi ra sông rạch. Nhờ thực hiện “3 giảm” sẽ tạo ra “3 tăng” (3 lợi ích).
Lợi ích thứ nhất là do mật độ thả nuôi phù hợp tập tính sống nên cá ăn mồi tốt, lớn nhanh hơn, tăng sức đề kháng bệnh tật, do đó chất lượng thịt cá tốt hơn. Thứ hai, với việc không sử dụng hoặc sử dụng ít thuốc kháng sinh giúp môi trường nước cũng như cơ thể cá không có cơ hội sinh sản ra vi khuẩn kháng thuốc, do đó người nuôi không cần tăng liều sử dụng cũng như thay đổi loại kháng sinh khác mạnh hơn. Mức độ lưu tồn thuốc kháng sinh trong thịt cá sẽ giảm mạnh, thịt cá nguyên liệu sẽ đạt độ an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ ba, nhờ chất lượng nước ao nuôi sạch nên cá đẹp, bán được với giá cao hơn, đồng thời tăng lợi nhuận nhờ tiết giảm được nhiều khoản chi phí như mua cá giống, mua thuốc phòng trị bệnh, thức ăn...
>> Định hướng quy hoạch diện tích sản xuất và tiêu thụ cá tra trên địa bàn Cần Thơ đến năm 2015, diện tích nuôi đạt 1.500 ha, sản lượng nuôi 188.500 tấn, sản lượng chế biến 90.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 252 triệu USD.