Một trong những yếu tố quyết định thành bại trong nuôi tôm hiện nay đó là chất lượng tôm giống. Việc tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng tôm giống như: Nguồn gốc, thị trường, chất lượng… là giải pháp được các địa phương trọng điểm nuôi tôm chú trọng nhằm giúp người nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng tỷ lệ thành công cho tôm nuôi.
Theo thống kê của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), trong năm 2023, nhu cầu tôm giống trong cả nước là 150 tỷ con, bao gồm 40 tỷ con tôm sú và tôm thẻ chân trắng là 110 tỷ con.
Tại tỉnh Sóc Trăng, địa phương xuất khẩu tôm trọng điểm của vùng ĐBSCL, chất lượng tôm giống được xem yếu tố sống còn. Do đó việc quản lý chất lượng tôm giống ngay từ ban đầu được ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt chú trọng.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nhu cầu tôm giống thả nuôi hàng năm trên địa bàn tỉnh bình quân từ 18 - 20 tỷ con giống. Thế nhưng, hiện nay tỉnh chỉ có 2 cơ sở sản xuất giống, với khả năng cung cấp khoảng 1,5 tỷ con giống, tương đương khoảng 7 - 8% so với nhu cầu thực tế. Phần lớn nguồn con giống đều phải nhập từ các địa phương như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau. Do đó, công tác giám sát chất lượng con giống được Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm.
Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, để kiểm soát chặt nguồn tôm giống nhập vào địa bàn tỉnh, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, lập các chốt lưu động để thực hiện kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hành vi không thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch.
Đồng thời lấy mẫu những lô hàng khả nghi để xét nghiệm nhằm kịp thời phát hiện nguy cơ lây truyền dịch bệnh trên tôm, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn tôm giống nhập tỉnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Trong năm 2023, nhu cầu tôm giống trong cả nước là 150 tỷ con, bao gồm 40 tỷ con tôm sú và tôm thẻ chân trắng là 110 tỷ con. Ảnh: Tép Bạc
Trong năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đã kiểm tra 86 phương tiện vận chuyển giống thủy sản qua địa bàn tỉnh, phát hiện 13 trường hợp vi phạm về hành vi không thực hiện kiểm dịch động vật trên thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, đã tiến hành xử phạt theo quy định. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị cũng đã phát hiện 4 trường hợp dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, ra quyết định buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng.
Ngoài ra, hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 118 cơ sở đang hoạt động ương dưỡng tôm giống, định kỳ hàng tuần Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng tiến hành lấy mẫu để kiểm tra, giám sát qua đó khuyến cáo cho hộ nuôi. Trường hợp phát hiện dương tính với các loại dịch bệnh trên tôm sẽ thực hiện tiêu hủy.
Đến thời điểm này, bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống vụ tôm năm 2023 đạt hơn 7.000 ha trong tổng số 45.000 ha so với kế hoạch. Việc xuống giống vụ tôm năm 2023 được ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá chậm khoảng 30% so với mọi năm do nước mặn về trễ và kéo dài.
Theo những nông dân có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, ngoài yếu tố thời tiết, dịch bệnh, chất lượng con giống quyết đến 80% thành bại của vụ nuôi. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm soát vận chuyển giống thủy sản cũng như kiểm dịch tôm giống, đến thời điểm này Sóc Trăng đảm bảo nguồn con giống chất lượng cung cấp cho các hộ nuôi tôm.
TS. Trần Hữu Lộc, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh đánh giá, vài năm trở lại đây, Việt Nam được xem là điểm sáng về ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong nuôi tôm. Một hệ thống chuỗi cung ứng vật tư đầu vào trong nuôi tôm được phát triển mạnh từ thức ăn, hóa chất, hạ tầng kỹ thuật ao nuôi, đặc biệt là chất lượng con giống ngày càng được nâng cao.
Ông Lộc cho rằng, hiện nay chất lượng nguồn gen của con tôm rất tốt, sức tăng trưởng của con tôm gần như vượt mong đợi. Thế nhưng, việc quản lý dịch bệnh, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của các trại giống và công nghệ kiểm tra độ sạch bệnh của con tôm cần được ứng dụng đầy đủ sẽ góp phần tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm.