Một trong những thành công lớn nhất sau thương vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng TMCP Sài gòn Hà Nội (SHB) đó là việc tái cấu trúc thành công CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco). Theo thông tin mới nhất ở thời điểm hiện tại Bianfishco đã hồi phục mọi mặt hoạt động.
Khi Bình An hoạt động ổn định trở lại, lộ trình sau 3-5 năm SHB sẽ niêm yết cổ phiếu Bianfishco trên sàn chứng khoán, sau đó SHB sẽ thoái vốn.
Để thấy rõ được “sức sống” của Bianfishco trong giai đoạn này chúng tôi đã có trao đổi với ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB về quá trình vực dậy thủy sản Bình An.
Thưa ông, tình hình thị trường cá tra hiện nay đang rất khó khăn, nông dân thua lỗ triền miên, xuất khẩu gặp khó, vậy tình hình của thủy sản Bình An thời điểm này như thế nào?
Ông Đỗ Quang Hiển: Con số mới nhất tôi vừa nhận được, trong 10 tháng đầu năm 2013 doanh số xuất khẩu của thủy sản Bình An đạt 240 tỷ đồng, doanh thu trong nước 60 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 30 tỷ. Từ một công ty thua lỗ, doanh thu và lợi nhuận của Bình An đã tăng trở lại.
Hiện nay thị trường xuất khẩu của Bình An phát triển rất mạnh, tập trung tại Mỹ, Châu Âu, Nam Mỹ, Trung Đông và Châu Á, nhưng mạnh nhất là thị trường Nam Mỹ (tăng trưởng xuất khẩu 50% so với năm trước). Vừa rồi chỉ vướng ở thị trường Mỹ một chút do thuế chống bán phá giá đối với cá basa. Tuy nhiên Bianfishco cũng đã có những giải pháp phù hợp với vấn đề này.
Hiện tại Bianfishco đang sản xuất 3 ca/ngày với có gần 1.000 công nhân, lương bình quân 3,5 triệu/người, xuất khẩu đều đặn, liên tục.
Theo hợp đồng đã ký, trong 2 tháng cuối năm doanh thu xuất khẩu của Công ty đạt 300 tỷ đồng, bằng 130% doanh thu xuất khẩu 10 tháng đầu năm. Người nông dân từ khi được trả nợ cũng rất tín nhiệm bán cá cho Bianfishco.
Hậu tái cấu trúc Bianfishco ông có ý định niêm yết cổ phiếu công ty trên sàn chứng khoán hay có lộ trình thoái vốn không?
Khi chúng tôi vào tái cấu trúc thủy sản Bình An đã đặt ra mục tiêu trước hết giúp họ vượt qua khủng hoảng và nguy cơ phá sản.
Khi Bình An hoạt động ổn định trở lại, có hiệu quả và có uy tín trên thương trường, lộ trình của chúng tôi là sau 3-5 năm sẽ niêm yết cổ phiếu Bianfishco trên sàn chứng khoán trong nước và quốc tế, sau đó SHB sẽ thoái vốn. Về lâu dài trong chiến lược của Bình An chúng tôi cũng đưa ra nghị quyết như vậy.
Sau khi tái cấu trúc thành công Bianfishco, ông có nhân rộng mô hình này ra không? Khi thời điểm này ông tham gia vào các công ty sắp phá sản với giá rất rẻ, sau đó khôi phục sản xuất của họ và bán cổ phiếu với giá tốt hơn rất nhiều?
Hiện nay trong quá trình xử lý nợ xấu, việc tái cấu trúc DN là một trong các giải pháp vừa bắt buộc vừa hiệu quả để đưa những khách hàng có “nợ xấu” đó trở thành những khách hàng tốt.
Việc này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội, góp phần đưa những DN khó khăn, đối mặt nguy cơ phá sản phát triển bình thường trở lại, giải quyết công văn việc làm cho rất nhiều công nhân, đóng góp cho kinh tế xã hội của đất nước.
Đối với SHB, hoạt động tham gia tái cấu trúc DN vừa giúp Ngân hàng thu hồi được nợ xấu, đồng thời khi DN hoạt động tốt việc thoái vốn cũng sẽ đem lại lợi ích cho SHB.
Từ kinh nghiệm áp dụng cho Bình An, chúng tôi đang thực hiện tái cơ cấu một số DN lớn như các doanh nghiệp ngành giấy. Hiện chỉ 2 doanh nghiệp giấy đã vay nợ gần 1.000 tỷ đồng. Hiện chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu giấy từ các nước khác bởi cung không đủ cầu, tiềm năng phát triển của ngành là rất tốt. Các doanh nghiệp giấy là khách hàng của SHB đầu tư nhà xưởng máy móc lớn, nhưng do là công ty mang tính chất gia đình nên năng lực quản trị không tốt. Chỉ cần giúp đỡ họ vượt qua khó khăn mang tính chất thời điểm là mình cũng giảm đáng kể nợ xấu.
Rất may là trước đây tôi đã có lợi thế làm chủ DN hoạt động sản xuất quy mô lớn cũng như thương mại, xuất nhập khẩu, nên đã có trong tay đội ngũ quản trị quản lý DN nhiều kinh nghiệm. Đội ngũ này cùng với sự tham gia của một số cán bộ Ngân hàng có năng lực sẽ giúp hoạt động tái cấu trúc các doanh nghiệp yếu kém đạt hiệu quả tốt.
Là một ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực tái cấu trúc doanh nghiệp để giảm nợ xấu, vừa cứu được doanh nghiệp đồng thời cũng giảm tổn thất cho chính bản thân ngân hàng, ông có đưa ra lời khuyên gì cho DN và các ngân hàng khác về việc này?
Tôi cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp không phải chỉ là đưa tiền vào, đưa ra giải pháp chung chung, việc này chỉ cần nhờ đến các nhà đầu tư tài chính. Cái khó nhất để vực dậy một doanh nghiệp và đem lại hiệu quả trong hoạt động chính là vấn đề con người.
Các cán bộ ngân hàng hiện nay thường mới làm tốt ở khía cạnh thẩm định doanh nghiệp, nhưng chưa có kinh nghiệm quản trị điều hành DN. Để tái cấu trúc thành công cần những con người có năng lực, đã từng tham gia điều hành DN thì mới hiểu thấu các khó khăn trong điều hành sản xuất, kinh doanh, điều h thị trường, đồng thời họ phải có tâm huyết và có sự quyết tâm lớn. Kết hợp cả hai yếu tố trên, tái cấu trúc mới thành công.
Nếu chỉ đưa tiền và có phương án chung chung, sự thành công chỉ đạt 50% chứ không thể đạt 100% được.
"Nếu chỉ đưa tiền và có phương án chung chung vào tái cơ cấu doanh nghiệp, sự thành công chỉ đạt 50% chứ không thể đạt 100% được".