Cuộc sống nghèo khó, những người phụ nữ có tuổi đời trên 50-60 chỉ còn biết sống qua ngày bằng những đồng tiền lẻ của tiểu thương cho, trong những buổi gánh nước biển đổ vào chậu cho họ rửa tôm rửa cá.
Bà Nguyễn Thị Học (65 tuổi) đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề tâm sự: “Gánh nước biển đổ chậu cho những người buôn bán hải sản từ 4 giờ sáng đến 8-9 giờ tối, mỗi người họ cho 2.000-3.000 đồng, ngày cũng được 30.000-40.000 đồng về mua gạo với rau. Giờ già cả rồi không có việc chi làm cả!”.
Bà Nguyễn Thị Học có chồng là ngư dân chết trong một lần đi biển. Bà Học kiếm sống qua ngày bằng nghề gánh nước biển thuê.
Tại âu thuyền Thọ Quang này, dù ngày nhiều cá hay ít cá, dù trời nắng hay mưa gió, 4 người phụ nữ chân trần tái nhợt, nứt nẻ do ngâm lâu dưới nước biển lặng lẽ làm, lặng lẽ gánh...
Họ là bà Học, bà Á, bà Một và bà Côi. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng có cái chung là cái khổ cái khó cứ đeo bám mải miết.
Chân thoăt thoắt với đôi quang gánh như dính liền trên vai, bà Côi vục thùng nhanh theo từng đợt sóng ập vào bờ rồi gánh nhanh lên bãi cá đổ vào từng chậu cá, tôm, mực… đang cần rửa cho hết đất cát.
Dáng người lầm lũi ít nói, ít cười, bà Côi mới đi gánh nước biển trở lại vì đợt trước gánh nước đi chân đất bị vỏ ốc cứa vào. Nghĩ vết thương bình thường, bà tiếp tục đi làm nên bị nhiễm trùng. Nhà nghèo, lại mẹ góa con côi, mọi người ở chợ cá thương tình góp mỗi người chút ít giúp bà đi bệnh viện mổ chân.
Cuộc đời bà Á (54 tuổi) cũng đầy bất hạnh. Ngày trước vợ chồng bà là dân vạn đò. Khi được thành phố vận động lên bờ, vợ chồng bà dồn hết số tiền tái định cư hơn 80 triệu đồng để cất căn nhà tạm gọi là khang trang trên nền đất mua chịu 66 triệu đồng.
Bà Côi bị "tai nạn nghề nghiệp" nhưng vẫn phải bám đòn gánh kiếm sống
Chồng đi biển không đủ nuôi 5 đứa con, bà ra chợ cá này gánh nước biển thuê. Rồi ông Nguyễn Lân chồng bà lại bị tai biến mạch máu não, bao nhiêu tiền dành dụm tích góp bấy lâu theo bệnh của ông Lân mà ra đi.
Từ những gánh nước biển từ lúc đêm khuya, một tay bà Á dựng vợ, gả chồng cho con trai cả và cô con gái thứ.
Nhưng các con bà cũng giống bà, không thoát khỏi cảnh nghèo túng. Thương mẹ, cậu con trai thứ ba đi làm thuê cho các tàu đánh cá, nhưng thu nhập không ổn định. Cô em gái Nguyễn Thị Thuận thì bỏ học đi làm phụ mẹ lại bị tai nạn giao thông, chấn thương đầu, tài xế ô tô bỏ chạy mất.
Bà Á cho biết: “Buổi sáng đi gánh nước, buổi chiều khoảng 2 giờ tôi ra phụ mấy người buôn cá, ai gọi gì làm nấy tới 10 giờ tối để kiếm thêm”.
Công việc khó nhọc nhưng cũng bấp bênh như cuộc sống của những phụ nữ gánh nước biển thuê này.
Những tháng mưa bão thuyền không ra khơi, không có cá về, người gánh nước thuê thất nghiệp, cuộc sống càng thêm khó.
“Như tháng 7 năm ngoái là không gánh nước biển được nữa, ai gọi chi làm nấy. Lau nhà rửa chén kiếm ít đồng mua gạo, khi không kiếm được việc bà con chòm xóm thương tình cho cơm ăn” - bà Học tâm sự.
Chúng tôi rời Thọ Quang khi ánh nắng mặt trời đã chiếu chói chang trên bãi biển. Rời bước đi nhưng hình ảnh về những phụ nữ người sũng nước, chân trần thoăn thoắt, da nhăn nheo sạm đen nhưng ánh nhìn vẫn sáng ngời cứ ám ảnh mãi...