Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được các nhà chuyên môn nhận định là cần thiết, bởi từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn hàng xuất khẩu, năng suất sản xuất của chúng ta đang bị chững lại vì nhiều lý do. Trong khi đó, sự kiểm tra khắt khe về chất lượng nông sản của các thị trường lớn trên thế giới buộc ngành nông nghiệp trong nước phải đổi mới.
Từ năm 2010, Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Đây được xem là đề án khả thi để cải thiện tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất đạt mức tăng trưởng cao, bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm quốc gia.
Theo đó, kể từ khi triển khai tới nay, hoạt động ứng dụng công nghệ cao của nước ta chỉ được công nhận ở số lượng khá thấp với 25 doanh nghiệp tại: TP.HCM, Hậu Giang, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Lâm Đồng. Tuy nhiên, chỉ TP.HCM và Lâm Đồng thực hiện mạnh mẽ, trong đó Lâm Đồng thể hiện sự vượt trội với 9 doanh nghiệp được được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điều này cho thấy, dù nhận được nhiều sự quan tâm trong triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng nông nghiệp nước ta lại vấp phải khó khăn như: Nguồn lực, tài chính…
Để triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đầu tư quy hoạch vùng… nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai mạnh mẽ. Không những thế, những vướng mắc trong quy hoạch đã ảnh hưởng đến việc xây dựng các khu công nghệ cao.
Ông Nguyễn Tường Duy, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết: “Dù đề án đã được triển khai từ khá lâu, nhưng đến nay việc xây dựng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa đạt được sự mong muốn của Chính phủ. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp khá ít hoặc nguồn lực thực hiện còn nhiều yếu kém. Dù đã triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng chúng ta vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về công nghệ cao là gì. Bên cạnh đó, chúng ta xem công nghệ cao trong nông nghiệp có vẻ rất lớn nhưng so với những nước tiên tiến khác trên thế giới thì chúng ta vẫn còn quá lạc hậu”.
TS. Nguyễn Đức Lộc (Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam), nhận định: “Để triển khai hoạt động nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải cần có những chính sách hỗ trợ về quy hoạch đất đai, tín dụng từ phía Chính phủ, nhưng nếu các doanh nghiệp triển khai ở quy mô quá nhỏ thì hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ không đạt hiệu quả nên có thể gặp khó trong việc nhận hỗ trợ từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ Chính phủ”.
Trong tương lai, khoảng 30% nông dân tại các khu quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là lực lượng nòng cốt trực tiếp sản xuất, nhưng đến nay, công tác đào tạo kỹ thuật trồng trọt cho nông dân vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có chính sách khởi nghiệp cho nông dân triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên việc nhân rộng hệ thống nay sẽ rất khó. Thay vì, tìm mọi cách tìm kiếm nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì chúng ta nên có chính sách hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ để cùng phát triển”.