Nước đầu tiên xuất khẩu tôm tươi nguyên con vào Australia?
Đầu năm 2017, ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam “bàng hoàng” trước quyết định cấm nhập khẩu tôm trong vòng 6 tháng kể từ tháng 1/2017 của Bộ Nông nghiệp Australia do dịch đốm trắng bùng phát ở bang Queensland (Australia). Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhấn mạnh, lệnh cấm này đã gây ra thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam, trong đó lượng tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Australia vào khoảng 55 triệu AUD.
“Lệnh tạm dừng nhập khẩu của Chính phủ Australia đã và đang gây ra thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Không ít doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm vào thị trường Australia còn đối mặt với nguy cơ phá sản”, Thứ trưởng Khánh chia sẻ.
Tháng 3/2017, Bộ Công Thương đưa ra thông điệp rõ ràng với Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia: “Trong trường hợp Australia tiếp tục duy trì lệnh cấm, Việt Nam đề nghị Australia sớm đưa ra các bằng chứng khoa học đầy đủ cho thấy có mối liên hệ giữa tôm nhập khẩu từ Việt Nam và dịch bệnh đốm trắng tại Australia”.
Sau nhiều nỗ lực kiến nghị Chính phủ Australia cân nhắc, sớm bãi bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu một số sản phẩm tôm và thịt tôm chưa nấu chín của Việt Nam (áp dụng từ ngày 9/1/2017), thông báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia cho biết, từ ngày 15/6, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia sẽ chấp nhận các đơn xin phép nhập khẩu đối với mặt hàng tôm chưa nấu chín được đánh bắt tự nhiên ở Australia, sau đó xuất khẩu sang Việt Nam để chế biến tái xuất sang Australia.
Bộ Công Thương nhận định, đây là một động thái tích cực của Chính phủ Australia và cũng là một thành công đáng kể của các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam trong việc tháo gỡ rào cản, hỗ trợ mở cửa lại thị trường cho các sản phẩm tôm Việt Nam trong suốt 6 tháng qua.
Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT đôn đốc Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đẩy nhanh quá trình xem xét các cơ sở sạch bệnh đốm trắng của Việt Nam, đồng thời công nhận hệ thống kiểm soát an toàn chất lượng của Việt Nam.
Điều này nhằm sớm cho phép tôm tươi nguyên con của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Australia, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam xây dựng, triển khai chương trình giám sát, chứng nhận an toàn dịch bệnh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này thâm nhập thị trường Australia với sản phẩm tôm chất lượng cao.
Bộ Công Thương nhận định, nếu hoàn tất được việc mở cửa thị trường, Việt Nam sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới xuất khẩu được tôm tươi nguyên con vào Australia.
Lên kế hoạch đưa quả thanh long vào Australia
Được cho là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản, nhất là những mặt hàng trái cây tươi, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ NN&PTNT tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường Australia.
Trên thực tế, quá trình đàm phán đối với mỗi một mặt hàng gặp nhiều khó khăn và mất thời gian, thông thường mất từ 5-10 năm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài nỗ lực đàm phán, Việt Nam đã có 2 loại trái cây tươi là vải thiều (mất 12 năm) và xoài (mất 7 năm) thâm nhập được thị trường Australia.
Sau khi mở cửa thị trường Australia cho vải thiều và xoài, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang tích cực trao đổi, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia để tiếp tục cho một số loại quả tươi (thanh long, chôm chôm, vú sữa, nhãn) của Việt Nam được nhập khẩu vào Australia, trước mắt là khẩn trương hoàn tất thủ tục nhập khẩu cho quả thanh long.
Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 895,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi và 36,1% trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đã có công văn trao đổi với Bộ NN&PTNT về vấn đề này để cùng phối hợp sớm hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường Australia cho quả thanh long tươi, dự kiến trong năm 2017.
Song song với công tác này, hiện nay Thương vụ Việt Nam tại Australia đã xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu thanh long tại thị trường Australia, theo đó tổng hợp đầy đủ các thông tin về nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn, quy định chất lượng, phương thức tiếp cận mạng phân phối... của thị trường Australia để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể đón đầu cơ hội xuất khẩu thanh long ngay sau khi được tiếp cận được thị trường.
Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với Hiệp hội Xuất khẩu hoa quả, Hiệp hội các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp Việt kiều lớn tại Australia triển khai các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương như tổ chức Ngày vải thiều Việt Nam tại Melbourne, Tuần vải thiều Việt Nam tại Sydney, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn lớn của Australia để chuyển giao mô hình công nghệ nông nghiệp tiên tiến của Australia phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam (công nghệ chế biến, công nghệ tái sử dụng phụ phẩm, công nghệ giống...), đặc biệt là nguồn giống tôm, rau, trái cây nhằm nâng cao chất lượng; tiếp tục nghiên cứu thị trường Australia để tìm kiếm sản phẩm phù hợp của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối bán buôn, bán lẻ của Australia, góp phần đưa hàng nông thủy sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.