Nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu
Ông Như Văn Cẩn – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, tính đến hết tháng 2.2016, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 368.000ha (trong đó diện tích nuôi tôm sú chiếm 358.000ha, tôm chân trắng là 9.740ha). Hầu hết các địa phương có diện tích thả giống ít hơn so với cùng kỳ năm 2015 và chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch. Nguyên nhân là do tình trạng xâm nhập mặn, người dân không dám thả nuôi theo lịch mà chỉ thả nuôi thăm dò.
“Với diện tích thả nuôi như hiện nay, dự báo sản lượng tôm sẽ đạt là thấp tương ứng với diện tích thiếu hụt, và có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu trong những tháng tiếp theo” – ông Cẩn nhận định.
Theo Tổng cục Thủy sản, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trong vùng, đặc biệt là con tôm. Riêng mô hình nuôi tôm thâm canh- bán thâm canh trong ao sẽ thiếu nước ngọt để bổ sung, để thay nước và giảm độ mặn khi độ mặn tăng cao trên 25%o, không thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của tôm, dễ xảy ra dịch bệnh.
Ngoài con tôm thì cá tra cũng đang gặp khó. Theo ông Như Văn Cẩn, hiện tại các vùng nuôi cá tra đều thuộc vùng an toàn, chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, ngoại trừ một số vùng nuôi ở Bến Tre và các vùng nuôi thuộc hạ lưu sông Tiền. Tuy nhiên, do lượng nước từ thượng nguồn chảy về thấp nên việc lấy nước sẽ gặp khó khăn. Mặc khác do lũ về thấp, lưu thoát kém nên dễ bị xì phèn và ô nhiễm, tạo nguy cơ dịch bệnh cao…
Cần giải pháp thích ứng lâu dài
Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre, về lâu dài, cần điều chỉnh, kiện toàn hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, tăng cường đầu tư quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tập trung. Cùng với đó, cơ cấu lại đối tượng nuôi, mùa vụ sản xuất, áp dụng phương thức, hình thức nuôi phù hợp. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường…
Ông Lê Minh Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nói, Bộ NNPTNT cần nghiên cứu áp dụng các chuỗi sản xuất tôm có trách nhiệm như: Chuỗi mô hình tôm – lúa; tôm - rừng có trách nhiệm… Đặc biệt là cần thành lập doanh nghiệp xã hội (mô hình mới cao hơn hợp tác xã) chuỗi giá trị tôm – lúa, tôm – rừng có trách nhiệm. “Nếu không làm quyết liệt, thì sản lượng tôm sẽ giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu và sản xuất của người nông dân” - ông Quang khẳng định.
Còn ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thì kiến nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT nghiên cứu, sớm có quyết định đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi mang tính quyết định cho vùng ĐBSCL. Ngoài các công trình lớn, T.Ư cần hỗ trợ đầu tư cho các địa phương trong vùng xây dựng các công trình thủy lợi ở cấp tiểu vùng, cấp khu vực. Riêng các địa phương chủ động khoanh các ô nhỏ trong phạm vi để chủ động phục vụ sản xuất.
Theo Bộ NNPTNT, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang tác động lớn đến việc nuôi trồng thủy sản ở ĐBCSL. Xâm nhập mặn có khả năng kéo đài đến đầu tháng 6 năm nay, dự báo về thị trường có nhiều biến động, con tôm của Việt Nam nói chung và ĐBSCL cần chú trọng đến hai khâu chất lượng và sản lượng, vì đó là thu nhập chính của bà con nông dân.
Ngoài ra, phải đảm bảo tốt khâu quan trắc xâm nhập mặn để thông báo kịp thời đến người dân. Các địa phương và Tổng cục Thủy lợi phải có giải pháp cục bộ điều tiết nước ở các vùng thả nuôi; kiểm tra bám sát các đối tượng đang thả nuôi để ứng phó bằng những giải pháp kỹ thuật. Tăng cường các biện pháp tăng cao năng suất các loại hình nuôi…
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, các ngành có liên quan cần rà soát quy hoạch thủy lợi, thống nhất quy hoạch, và sản xuất theo quy hoạch. Tới đây, Bộ sẽ tăng cường nguồn vốn đầu tư cho ngành thủy sản. Riêng về mặt kỹ thuật phải tăng cường, điều tiết lại lịch thời vụ cho linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn; nghiên cứu các loại giống thích hợp, chịu mặn thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Cần tổ chức lại sản xuất, các hộ nhỏ lẻ phải tập trung lại thành một mô hình liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu vào đầu ra ổn định...”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám