Thành - một cư dân sống 52 năm trên đảo tặc lưỡi: "Ban đầu nghe tin mấy cha bỏ tiền ra xây kè biển chắn sóng để nuôi cá mú, ai cũng cho là… khùng. Nhưng đến nay nhiều người phải học cách “khùng” để thay đổi cuộc sống trở thành tỷ phú trên đảo".
Bí thư huyện đảo Phú Quý - ông Trần Tới tâm tình với tôi rằng những ngư dân trở thành gương điển hình, cánh chim đầu đàn phát triển kinh tế biển bằng nghề nuôi cá mú ở đảo ai ai cũng biết “gã khùng” tỷ phú.
Dương Phùng Linh. Sinh năm 1969, quê xã Ngũ Phụng, học đến lớp 8 thì bỏ học theo cha đi biển. Nhưng nghề biển cũng bấp bênh, anh xin nghỉ để kiếm nghề trên bờ hầu mong thay đổi cuộc sống. Tuổi thanh niên của Linh cũng đã thấy “khùng” lắm rồi khi anh bỏ nghề kế toán, vào Phan Thiết học nghề đá mài, đúc chậu trồng cây kiểng…
Những chuyến tàu ra vô từ đảo vào Phan Thiết đã bật trong Linh một ý tưởng về kinh doanh vật liệu xây dựng, vì tất cả đều phải mua từ bờ chuyển xuống tàu ra đảo để xây nhà, làm công trình. Và đây là nghề mang lại cho anh số vốn ban đầu kha khá và bắt đầu tự tin trong công việc kinh doanh, nắm bắt thị trường sau này.
Năm 2000, thị trường du lịch, ẩm thực hải sản rất chuộng nên cá mú đỏ lên ngôi... vua, có giá bán rất cao khoảng vài trăm nghìn một ký. Loại cá quý hiếm này chỉ có nhiều ở vùng biển Phú Quý, Côn Đảo và Hoàng Sa. Nhưng nếu chỉ câu thả hoặc đánh bắt ngoài biển khơi, thì cũng chỉ được vài con mỗi ngày, không thể mang lại kinh tế.
Nghĩ vậy, nên nên Linh nổi cơn “khùng” tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, quyết định đầu tư nuôi cá mú đỏ trong lồng bè trên biển ngay tại xã Long Hải.
Trước tiên, anh bỏ tiền túi đầu tư xây kè chắn sóng biển dài khoảng 200m, nhiều người nói “dã tràng se cát” và cho rằng Linh đã “khùng nặng”. Đến khi anh thả 2.000 con giống nuôi, lại có người cho rằng “khùng đặc biệt... nghiêm trọng”.
Vậy mà đến khi thu hoạch trên 200 triệu đầu tiên, nhiều người nhao nhao đến hỏi thăm, xin chỉ cách nuôi cá mú đỏ của người... khùng.
Sóng biển cao 4-5m trong cơn bão Chanchu 2005 đập rất dữ dội vào kè chắn sóng của Linh như một cuộc thực nghiệm về kỹ thuật xây kè chắn sóng của “kỹ sư lớp 8”. Khi đó, kè của Linh "khùng" vẫn đứng vững chãi, hiên ngang không hề hấn gì, lồng bè nuôi cá được bảo vệ an toàn.
Từ cách làm kinh tế biển đầy sáng tạo và đột phá của Linh “khùng” đến nay, trên đảo Phú Quý có khoảng 10 hộ dân học theo Linh, xây kè chắn sóng biển, nuôi cá mú đỏ, nuôi ốc bằng lồng bè trên biển với tổng chiều dài gần 8.000m.
Lợi nhuận thu được, anh đầu tư thêm gần 900m kè biển và kinh doanh nhà hàng, du lịch với những thứ đặc sản hấp dẫn và ngon nhất tại đảo như: Cá mú đò, cua huỳnh đế, cá mập, các loại ốc… Nhà hàng Long Vĩ của ông chủ Linh “khùng” ngày nay là một trong những địa điểm nổi tiếng đối với du khách đến Phú Quý.
Phú Quý nằm cách TP Phan Thiết khoảng 56 hải lý về phía Đông Nam, diện tích hơn 16 km2, trên 25.000 dân và 22km bờ biển bao bọc cùng một số đảo lớn nhỏ xung quanh.
Đã qua rồi cái thời dân trên đảo chỉ dám xài điện bình ắc qui, không tìm đâu ra bóng dáng một chiếc xe gắn máy, số người có xe đạp cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn học sinh muốn học cấp 3 phải xuống tàu vào Phan Thiết để học. Do đó, rất nhiều người mù chữ, học sinh bỏ học đi làm biển, còn cán bộ, giáo viên phải tăng cường từ trong bờ ra.
Một Phú Quý ngày trước chỉ duy nhất bám biển, trời cho ăn thì sống, trời nổi giông bão thì treo lưới bỏ vào bờ đi mót lúa. Cuộc hồi sinh và thay da đổi thịt của đảo chậm chạp rất nhiều so với những nơi khác. Nhưng với người dân đảo, mốc lịch sử đó có thể tính từ khi có nhà máy nhiệt điện thắp sáng đời sống ngư dân, sản xuất, xây dựng, đầu tư hạ tầng giao thông, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ mở rộng ngư trường, kinh doanh buôn bán… cũng bắt đầu phất lên từ đó.