Cua đá to bằng nắm tay người lớn, màu nâu tím hoặc đỏ tươi. Loại cua này sống nhiều dưới những con suối trong rừng. Những ngày đầu mùa mưa, đất ẩm, nước suối mát, cua thường ra khỏi hang hứng nước, đi tìm thức ăn nên bắt rất dễ dàng.
Cùng với những món thông thường, cua kho nghệ là món phù hợp với đặc điểm ẩm thực của trời xứ lạnh ở vùng núi. Cua bắt về ngâm hết rong đất (nếu có những con cua lột thì càng ngon), tách bỏ chân, chỉ giữ lại phần thịt ở bụng và những chiếc càng to, ướp các loại gia vị rồi đem kho. Cua đá kho thông thường đã ngon, nếu được kho với nghệ bột thì càng ngon hơn. Sở dĩ cua đá “hạp” với nghệ bột là vì thịt cua mang yếu tố hàn, tanh nên khi có nghệ khử vào sẽ bớt mùi tanh, đồng thời nghệ cũng làm cho cua đậm đà và có hương vị đặc thù riêng.
Thịt cua đá kho rim có mùi thơm ngầy ngậy. Nhất là chỗ thịt ở phần bụng vừa mềm vừa thấm gia vị nên rất đậm đà, béo không kém thịt của biển hoặc ghẹ tươi. Ngon hơn phải kể đến chỗ thịt bên trong những chiếc càng to.
Phải nói những ngày mưa nhiều, ở miền núi trời trở lạnh, những bữa cơm trong gia đình có món này lại càng thêm ý vị hơn. Biết rằng đây chỉ là những món bình dân nhưng hương vị lại riêng. Và nếu ai một lần được ăn món cua đá kho nghệ với cơm, nhất là cơm nấu bằng gạo lúa đỏ nóng dẻo thơm trong một ngày mưa dầm ở vùng cao, chắc khó lòng mà quên được.