Đôi nét về sên biển - loài sinh vật độc đáo trên thế giới
Loài sên biển này có tên khoa học là Costasiella kuroshimae. Chúng thường sinh sống tại các rạn san hô ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, Singapore, Indonesia và Philippines. Trong đó, costasiella có nghĩa là loài sên hút nhựa cây, còn kuroshimae là tên một hòn đảo ở Nhật Bản - nơi đầu tiên người ta phát hiện ra loài sinh vật biển này vào năm 1993.
Để có thể ngắm nhìn cừu lá, con người thường phải lặn xuống biển với độ sâu từ 9-18m dưới đại dương. Vì là một sinh vật có khả năng quang hợp nên chúng ưa phân bố ở những nơi ánh sáng mặt trời vẫn có thể xuyên qua.
Dựa vào ngoại hình khá giống loài cừu mà người ta hay gọi chúng là cừu lá. Không chỉ nổi tiếng nhờ vẻ bề ngoài độc đáo, cừu lá còn là một trong những loài sên biển kỳ diệu nhất trên thế giới bởi chúng gần như chỉ ăn một loại tảo biển xuyên suốt dòng đời và có khả năng tự quang hợp giống như thực vật.
Loài sên biển có ngoại hình giống một chú cừu
Về hình dáng bên ngoài, khi quan sát tổng thể cừu lá, chúng ta có thể thấy rằng chúng có kích thước khá nhỏ (chỉ khoảng 5mm) và có thể đạt kích thước tối đa từ 7-8mm. Dòng đời của loài cừu lá tương đối dài, dao động từ sáu tháng đến một năm.
Khả năng đặc biệt của sên biển
Cừu lá được bao phủ khắp cơ thể là những chiếc lông nhỏ và nhọn màu xanh lá có chấm màu hồng nhạt tựa như một bộ lông dày và mềm mại. Những chiếc lông trên thân đã giúp cho loài sên biển này trở nên nhạy cảm hơn với môi trường biển. Cụ thể, chúng có thể nhận biết được nguồn thức ăn đang ở đâu hay thậm chí là cảm nhận được những chất hóa học đang có trong nước.
Cừu lá có khả năng tự quang hợp
Thêm nữa, ở phần chính diện, cừu lá còn sở hữu hai sợi râu khiến nhiều người liên tưởng đến đôi tai của loài cừu.
Thức ăn chủ yếu của cừu lá là tảo biển. Khi tiêu hóa thức ăn, cừu lá sẽ hút lục lạp khỏi tảo nhằm lấy tảo làm thức ăn và giữ lại các lạp thể để sử dụng cho quá trình quang hợp. Quá trình này đã cho phép cừu lá thực hiện quang hợp và được các nhà khoa học gọi là kleptoplasty. Cũng vì lý do này, phần lông trên cơ thể của cừu lá có khả năng phát sáng.
Một trong những đặc điểm khiến sinh vật nhỏ bé này nổi tiếng là ngoài có khả năng tự quang hợp, chúng còn có thể duy trì sự sống trong vài tháng bằng năng lượng mặt trời chỉ nhờ quá trình này để tạo ra thức ăn. Do đó, khả năng tự sinh tồn của loài cừu lá được đánh giá rất cao.
Không chỉ thế, phần lục lạp mà chúng hút từ tảo còn có tác dụng bảo vệ và ngụy trang cho cừu lá trước những kẻ thù ẩn nấp xung quanh nhờ màu xanh lá đặc trưng của mình. Khi đối mặt với những kẻ săn mồi đáng gờm, cừu lá sẽ phong tỏa chúng bằng cơ chế phòng thủ hóa học (chemical defences).
Như vậy, nhờ vào khả năng quang hợp của mình mà cừu lá trở thành một sinh vật biển “độc nhất vô nhị” và được mệnh danh là “sên biển chạy bằng năng lượng mặt trời”.
Hiện nay, nhiều nhà khoa học vẫn đang nỗ lực để lý giải việc tại sao một sinh vật biển như cừu lá lại có khả năng quang hợp như thực vật, nhưng đến hiện tại điều này dường như vẫn là một ẩn số được cất giữ dưới đáy đại dương. Trường hợp kỳ lạ của cừu lá đã củng cố thêm nhận định rằng nhân loại còn cần thêm rất nhiều thời gian và công sức để khám phá thế giới đại dương.