Nghiên cứu sử dụng 4 loại thức ăn khác nhau: (1) cá tạp, (2) nhuyễn thể, (3) thức ăn cho tôm sú và (4) thức ăn tự chế biến. Một hệ thống RAS được thiết kế và lắp đặt trong nhà bao gồm 180 hộp nuôi có kích thước mỗi hộp 60 x 60 x 31 cm (Dài x rộng x cao) sức chứa tối đa 50 L. Có tổng cộng hơn 504 con tôm tít (Harpiosquilla harpax) có trọng lượng trung bình 81,08 ± 5,3 g được sử dụng trong thí nghiệm này. Các cá thể tôm được nuôi riêng trong từng hộp. Mỗi nghiệm thức gồm 30 cá thể, thí nghiệm được thực hiện trong vòng 30 ngày và được lặp lại 3 lần nhằm đảm bảo tính chính xác của kết quả. Tần suất cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 8h:00 và 14h:00. Các thông số môi trường nước trong hệ thống RAS được duy trì ở mức tối ưu (nồng độ oxy: 6 -7 mg/l; pH: 7.5 -8.5; KH: 215 - 250 mg/L; Amonia: 0,5mg/L, Nitrit: 0 – 0,5 mg/L và độ mặn nước nuôi từ 28-30‰). Sau thời gian 30 ngày nuôi, kết quả cho thấy rằng tôm tít có tập tính ăn các loại thức ăn tươi sống tốt hơn là các loại thức ăn viên hoặc chế biến. Trong đó, thức ăn cá tạp có tỷ lệ tăng trưởng hàng ngày (DGR) và tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR) cao hơn các nghiệm thức khác (P <0,05). Tỷ lệ sống không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức nghiên cứu (P>0,05). Với nghiệm thức là thức ăn công nghiệp của tôm sú thì tôm hoàn toàn không bắt mồi và thí nghiệm không thu được kết quả. Do đó, cá tạp đã được đề xuất rằng nên sử dụng như nguồn thức ăn chính cho nuôi tôm tít nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng cũng như đạt được năng suất cao.
Hình 1: Kiểm tra tôm tít; Hình 2: Tôm tít giống khai thác ngoài tự nhiên; Hình 3: Hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS); Hình 4: Tôm tít đang lột vỏ.
Dữ liệu từ nghiên cứu này cho thấy hệ thống RAS có thể kiểm soát chất lượng nước thích hợp cho nuôi tôm tít. Kết quả bước đầu cho thấy cá tạp là loại thức ăn phù hợp cho tôm tít H.harpax đạt hiệu suất tăng trưởng tốt.
Nguồn: ThS Lê Ngọc Hạnh. Phòng sinh thực nghiệm