Cá dầm xanh hay còn gọi là cá bỗng không phải ao, hồ, sông, suối nào cũng nuôi được bởi đặc tính của nó chỉ sống ở môi trường nước sạch. Nghề nuôi càng khó trở thành nghề hàng hóa bởi để có mỗi con cá nặng chừng hơn 2 kg, thời gian nuôi phải mất 5 năm. Tuy nhiên, ở đây, bà con vẫn kiên trì nuôi dưỡng loài cá quý hiếm này phần nhiều để cải thiện. Một số hộ bắt đầu triển khai xu hướng hàng hóa, tuy nhiên bằng nguồn thức ăn tận dụng chứ không phải đầu tư. Nguồn giống được lấy từ vùng sông Mã có điều kiện nuôi khá tương đồng.
ông Khà Văn Quang ở xóm Lọng, xã Vạn Mai được biết đến là người nuôi cá dầm xanh có tiếng nhất ở huyện Mai Châu. Theo ông, việc nuôi loài cá này khá kỳ công. ông quy hoạch 2 ao nuôi có cống nước chảy vào và cống nước chảy ra. Để môi trường nước luôn sạch, ông thường xuyên thay tháo, thau bùn định kỳ. Thức ăn của cá là thức ăn tự nhiên như cỏ, sắn, tuyệt nhiên không sử dụng cám công nghiệp. Hiện đã bước sang năm thứ 8 nuôi cá dầm xanh, lứa cá nuôi đầu của gia đình ông có trọng lượng khoảng trên 4 kg. Đàn cá nuôi kế tiếp từng năm có trọng lượng từ 2 kg trở lên. Đối với cá ương, ông nuôi tại khu vực bể riêng đến khi cá có trọng lượng 150g – 200g mới thả ao. Với phương thức nuôi gối, năm nào, ông cũng có cá thu hoạch. Việc thu hoạch được tiến hành rải rác theo nhu cầu khách đặt.
Cá dầm xanh sở dĩ được xem là cá đặc sản bởi mùi vị thơm ngon, dù là nướng hay hấp, đồ đều không tanh. Cá nuôi càng lâu, trọng lượng lớn, bán càng được giá, trung bình cá trên 2 kg có giá 200.000 đồng /kg, loại 3 – 4 kg có giá 250.000 đồng /kg. Giá trị kinh tế tưởng cao nhưng thời gian nuôi dài gấp nhiều lần so với các loài cá nuôi khu vực ao, hồ khác nên chủ yếu hiện nay vẫn là quy mô hộ gia đình. Theo đồng chí Hà Văn Tuất, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Mai, xã có 776 hộ thì có khoảng 300 hộ nuôi cá dầm xanh. Nhiều nhất là xóm Củm có khoảng 80% hộ nuôi, ít nhất là xóm Khán có gần 50% hộ nuôi. Tuy nhiên, nếu tính kinh tế xu hướng hàng hóa thì mới chỉ có một vài hộ có sản lượng trên, dưới 1 tấn /năm, đứng đầu là hộ ông Khà Văn Quang ở xóm Lọng, ông Khà Văn Dành ở xóm Nghẹ… Nguồn nước sạch nuôi cá được bà con tận dụng là nước suối Sia và các mó nước trên núi.
Cùng với thời gian, cá dầm xanh đã trở thành đặc sản truyền thống của các xã Mai Hịch, Vạn Mai. Việc xây dựng, phát triển thương hiệu loài cá quý hiếm này đã và đang được huyện Mai Châu thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, các xã định hướng hình thành vùng hàng hóa, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện triển khai, đồng thời xây dựng đề án trình các cấp, ngành liên quan để có hướng khuyến khích, hỗ trợ.