Hướng đi của ngành tôm Đông Nam Á
Sau thời kỳ phát triển mạnh mẽ, ngành nuôi tôm của Đông Nam Á đang gặp nhiểu thử thách bao gồm dịch bệnh, chính sách thương mại của các nước nhập khẩu, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nước châu Mỹ Latin. Tất cả đều đang cản bước ngành tôm của khu vực Đông Nam Á – vốn là một trong những khu sản xuất tôm lớn nhất thế giới.
Trong thực trạng biến đổi của môi trường cũng như áp lực thương mại hiện nay, Tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group - BCG) đã đưa ra con đường chiến lược để các nhà sản xuất tôm Đông Nam Á giữ được lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới.
Để có được dự đoán về xu hướng chuyển đổi sản xuất, BCG đã mất gần 1 năm để thu thập báo cáo của chính phủ, thống kê thương mại và tiếp xúc trực tiếp khoảng 15 – 20 trang trại nuôi tiêu biểu ở mỗi quốc gia để thu thập dữ liệu cho báo cáo.
Sau khi phỏng vấn nhiều nông dân có kinh nghiệm và các nhà nghiên cứu khoa học, BCG đã phát hiện ra sự khác nhau giữa các nhà sản xuất tôm trên nhiều khía cạnh, từ thức ăn, kỹ thuật nuôi đến cách xử lý các vấn đề phát sinh, thật đáng ngạc nhiên khi các quốc gia tương đồng điều kiện tự nhiên nhưng khác biệt rất lớn trên toàn bộ chuỗi sản xuất tôm. Cũng từ đó, mỗi quốc gia Đông Nam Á lại vướng phải những vấn đề khác nhau, BCG đã cố gắng tìm ra giải pháp riêng cho từng nước. Nhưng hướng đi chung vẫn là tập trung chuyển đổi chuyên sâu kỹ thuật canh tác, trong đó trang trại khép kín trong nhà được đề nghị là phương pháp tất yếu để người nuôi duy trì lợi nhuận bền vững.
Hiện tại hình thức nuôi này chưa thật sự phổ biến ở Đông Nam Á, nhưng chắc chắc sẽ trở thành kỹ thuật canh tác phổ biến trong 5 - 10 năm tới khi nuôi tôm truyền thống đang dần bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt nhiều rủi ro trong sản xuất và khó thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Các công ty nuôi tôm nổi tiếng như Charoen Pokphand Foods của Thái Lan hay Việt – Úc của Việt Nam đã xây dựng hệ thống nuôi tôm trong nhà hiện đại từ năm ngoái. Các tập đoàn khác như CP và Thai Union cũng cho rằng, kỹ thuật nuôi tôm trong nhà đã giải quyết vấn đề khi nguồn cung vướng phải thẻ vàng EU hay các quy định mới về nhập khẩu tôm của Mỹ.
Rất nhiều công ty đang tiếp tục mở rộng quy mô cũng như cải thiện kỹ thuật nuôi khép kín như một lời cam kết cho chất lượng sản phẩm. Chúng ta không hy vọng mô hình nuôi khép kín trong nhà sẽ nhanh chóng đột phá thay thế sản xuất truyền thống trong thời gian ngắn, mà việc chuyển đổi chỉ diễn ra dần dần nhưng liên tục, đây là cách duy nhất để tăng sản lượng và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi cuộc chiến giành thị phần tôm ngày càng trở nên khốc liệt.
Truy xuất nguồn gốc - chìa khóa của ngành tôm Việt Nam
Trong báo cáo BCG cũng nhấn mạnh rằng, chìa khóa tương lai của tôm Việt chính là truy xuất nguồn gốc. Với thế trận hiện nay, bất kỳ nhà cung cấp nào thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc sẽ có sức cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta không nhắc nhiều đến việc sản phẩm tôm truy xuất nguồn gốc đang có giá bán cao hơn hẳn tôm bình thường, vì truy xuất nguồn gốc trong tương lai sẽ trở thành chuẩn mực tất nhiên và giá cả sẽ không còn là lợi thế. Mà lợi ích lâu dài của việc đạt được truy xuất nguồn gốc tôm nhanh chóng chính là giúp người tiêu dùng phân biệt tôm Việt Nam với các nước cung ứng khác, đây là cơ hội nghìn vàng để nhận dạng thương hiệu và tạo nên thói quen lựa chọn của người tiêu dùng.
Có hai vấn đề cần giải quyết để Việt Nam thực hiện truy xuất nguồn gốc tôm. Một là về sản xuất: cần áp dụng các mô hình nuôi như biofloc hoặc hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn khác, kỹ thuật nuôi khép kín, nuôi trong nhà… khi đó các trang trại có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, cũng như tăng đáng kể tỷ suất lợi nhuận. Hai là vấn đề thu mua, cần tạo điều kiện cho nông dân bán trực tiếp tôm đến nhà máy chế biến mà không cần qua thương lái trung gian, đây thực sự là vấn đề nan giải vì thương lái đã trở thành mắc xích quen thuộc và quan trọng trong ngành. Kết quả của đường đua truy xuất nguồn gốc có thể sẽ quyết định cục diện của ngành tôm thế giới, vì vậy, Việt Nam nhất định phải có chiến lược cẩn trọng, đúng đắn và nhanh chóng.
Ngoài ra, tôm Việt Nam đối mặt thêm nhiều vấn đề khác như năng suất tương đối thấp, thẻ vàng EU ảnh hưởng đến xuất khẩu. Thực tế, chúng ta đang phải vật lộn để cạnh tranh với Ấn Độ và Indonesia về sản lượng lẫn giá cả. Theo dự đoán của BCG thì ở mức tăng trưởng hiện tại, Indonesia và Ấn Độ sẽ đạt được sản lượng 900.000 tấn và 1,4 triệu tấn vào năm 2025. Trong khi đó Việt Nam với tốc độ tăng trưởng hàng năm thấp hơn đáng kể khoảng 2% thì ước tính chỉ đạt 630.000 tấn trong cùng thời gian. Nếu Việt Nam có mức tăng trưởng tương đương Indonesia và Ấn Độ thì có thể tăng thêm đến 65% sản lượng vào năm 2025, tương đương với tăng khoảng gia tăng 300 triệu USD.
Một rào cản nữa mà Việt Nam phải quyết tâm vượt qua chính là vấn đề sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, tỷ lệ tôm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào các thị trường thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản cao hơn rõ rệt so với các đối thủ.
Số lượng tôm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu so với các nước khác ở từng thị trường.
Báo cáo của BCG cũng nhắc Việt Nam cần được lưu ý và cải thiện dinh dưỡng cho tôm. Thức ăn tôm ở Việt Nam hiện nay không bắt kịp các nước đối thủ, cần phải lưu ý sử dụng thức ăn thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường sức khỏe tôm nuôi. Mặc dù chi phí đầu tư sẽ cao hơn nhưng cũng sẽ kéo theo tỷ suất lợi nhuận cũng sẽ tăng.
Tóm lại, theo BCG thì ngành tôm Việt Nam cần lưu ý những vấn đề sau để giữ được sức cạnh tranh trong thời gian tới:
1. Chuyển đổi mô hình từ nuôi truyền thống sang nuôi trong hệ thống nuôi tuần hoàn, áp dụng kỹ thuật nuôi trong nhà, nuôi khép kín.
2. Tăng tốc độ tăng trưởng của ngành.
3. Thực hiện nhanh chóng và hiệu quả truy xuất nguồn gốc.
4. Kiểm soát kháng sinh trong nuôi trồng.
5. Cải thiện chất lượng thức ăn về khía cạnh tăng trưởng và tăng cường sức khỏe tôm nuôi.
Theo Dan Gibson