Ngày 28/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo đánh giá 2 năm thực hiện giai đoạn I của đề án thí điểm hợp tác thả nuôi giống trai nhân tạo gắn với bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Hòn Vang, xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc để làm cơ sở để triển khai các nội dung tiếp theo của đề án.
Qua 2 năm thả nuôi, trai môi vàng sinh trưởng và phát triển hoàn toàn bình thường như những vùng biển khác. Tại khu vực nuôi thí điểm còn xuất hiện một số loài cá có giá trị kinh tế cao như: Cá Kẽm, cá Mú đỏ, cá Mú sao,... Ngoài ra, còn có các loài động vật đáy phát triển tương đối nhiều như: Sò nước, Sò tô, Ốc đụn, Cầu gai và rạn san hô. Trong khu vực nuôi thí điểm, do được bảo vệ tốt nên đã thu hút các loài thủy sản khác về đây cư ngụ và có điều kiện sinh sôi nảy nở.
Trong giai đoạn 2 của đề án, doanh nghiệp tư nhân Ngọc Hiền sẽ tiếp tục thả trai giống nuôi trong khu vực biển được giao, cam kết trong 3 năm tiếp theo sẽ thả giống cho đủ số lượng 45 triệu con. Doanh nghiệp phối hợp cùng với các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu khả năng thích nghi, đặc điểm sinh trưởng, mùa vụ sinh sản và đánh giá tác động môi trường; Tái tạo nguồn lợi trai ngọc môi vàng bổ sung vào vùng lõi Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Căn cứ trên số trai thu hoạch được, doanh nghiệp sẽ dành 30% tái tạo nguồn lợi và 70% sử dụng cấy ngọc nhân tạo của doanh nghiệp.
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học-viện hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: "Đây là một hoạt động theo tôi là rất quan trọng bởi trong môi trường tự nhiên ở Phú Quốc hiện nay không còn trai ngọc nữa vì đã bị mọi người khai thác hết. Bây giờ một trong những nhiệm vụ chúng ta phải làm, của sự nghiệp bảo tồn cũng như phục hồi nguồn lợi phải huy động mọi nguồn lực, dùng các biện pháp để phục hồi nguồn lợi, làm sao cho tài nguyên của vùng biển Phú Quốc giàu lên, vừa bảo tồn được đa dạng sinh học, vừa phục vụ cho việc khai thác về sau của người dân.