Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến cuối tháng 6-2017, tổng số tàu cá hành nghề giã cào trên địa bàn đã lên tới 1.765 tàu, với tổng công suất 685.887 CV, chiếm 28,20% tổng số tàu cá của địa phương. Tàu giã cào đóng góp đến hơn 70% tổng sản lượng thủy hải sản khai thác của toàn tỉnh, với hơn 220 nghìn tấn/năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nghề biển. Tuy nhiên nghề này lại phá hủy môi trường, sinh vật tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây hại đến những loài thủy sản cần được bảo vệ như: rạn san hô, rùa biển, vích, đồi mồi, bò biển… Ngư dân Phạm Văn Lộc (phường 2, TP Vũng Tàu) cho biết: "Giã cào là đưa miệng lưới cào thả xuống, rồi dùng tốc độ của máy kéo đi, con gì cũng lọt vào hết. Bởi vậy người ta nói giã cào là nghề cha làm con chết đói là như vậy".
Khoảng 10 năm về trước, các phương tiện giã cào chủ yếu có công suất nhỏ (chỉ từ 90 đến 300 CV), khi đánh bắt thường phải liên lạc với các phương tiện hành nghề câu, rê hoặc vây để tránh. Nhưng bây giờ, đội tàu hàng nghìn chiếc công suất lớn thì tàu giã cào không ngại bất cứ phương tiện nào. Chuyện tàu giã cào kéo lưới, kéo neo của những phương tiện khác trở thành chuyện thường ngày. Ðược biết, các tàu giã cào thường đi theo cặp, gọi là giã cào đôi, có nơi gọi là giã cào bay. Tàu có công suất nhỏ khoảng 90 CV còn lớn từ 600 đến 800 CV, di chuyển với tốc độ từ 7 đến 10 hải lý/giờ. Mỗi tấm lưới giã cào có chiều dài từ 500 m đến 1.500 m, được thả sâu đến tận đáy và có tới ba lớp lưới.
Tình trạng khai thác hải sản kiểu tận diệt của phương tiện giã cào đã làm ngư trường Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng cạn kiệt. Anh Huỳnh Minh Hùng (thị trấn Phước Hải, huyện Ðất Ðỏ) cho biết: "Trước đây, chỉ cần ra xa bờ vài ba hải lý là đã có thể đánh bắt hải sản, còn giờ đây, những ngư phủ thuyền thúng phải theo tàu đi cách xa cả chục hải lý mới có hy vọng". Chỉ tay về phía biển, anh Hùng cho biết, tàu giã cào công suất lớn giờ đây là nỗi ám ảnh của ngư dân. Những "hung thần" trên biển này không chỉ quét sạch nguồn lợi thủy sản mà quét luôn cả lưới của ngư dân khác.
Theo thống kê, ngoài 1.765 phương tiện giã cào của địa phương, trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên có khoảng 1.000 tàu giã cào của các tỉnh khác đến hoạt động. Ðể quản lý các phương tiện đánh bắt trên biển, ngoài đơn vị thanh tra chuyên ngành thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh còn có lực lượng kiểm ngư cùng một số lực lượng chuyên ngành khác. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng vừa rời đi thì các tàu giã cào lại tiếp tục hoạt động trái phép. Thượng tá Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, có tình trạng phương tiện giã cào khai thác trái phép, tuy nhiên việc bắt giữ, xử lý, gặp rất nhiều khó khăn. Phương tiện giã cào giờ nâng công suất lên tới 500 đến 800 CV cho nên mới gọi là cào bay bởi tốc độ đi rất nhanh. Trong khi lực lượng biên phòng chủ yếu làm công tác kiểm soát. Khi các phương tiện qua trạm nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì chúng tôi cho đi, còn khi ra ngoài khơi người ta làm gì thì phải có sự phối hợp kiểm tra cùng các lực lượng khác. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền cho bà con hiểu rõ tác hại của nghề này, đồng thời hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề.
Trước đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quy hoạch phát triển nghề khai thác thủy hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, duy trì, phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường như lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp chụp mực… Mục tiêu đến năm 2020, số lượng tàu giã cào chỉ dừng ở 1.000 chiếc. Ðể triển khai quy hoạch, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi thông báo đến tất cả cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trên địa bàn, yêu cầu không nhận hợp đồng đóng mới đối với các loại tàu làm nghề giã cào. Tuy nhiên, nhiều cơ sở vẫn đóng mới, bất chấp quy định. Ông Nguyễn Thành Thi, một ngư dân có hơn 20 năm làm nghề lưới cá ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Ðiền, cho biết: Ở thời điểm hiện tại, một số cơ sở đóng tàu trên địa bàn TP Vũng Tàu, huyện Long Ðiền vẫn đóng tàu giã cào.
Trên thực tế, nguồn lợi từ nghề giã cào với hầu hết ngư dân là không nhỏ nên nhiều người vẫn kiên trì lối khai thác này.
Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm, không có cách nào khác là chính quyền các cấp cần triển khai đồng bộ, hiệu quả việc chuyển đổi ngành nghề cho những lao động đang hành nghề giã cào. Bởi nếu cứ cấm mà không tạo nghề mới thì bà con sẽ hành nghề "chui" và các tàu giã cào vẫn tiếp tục được xuất xưởng đều đều.