Sau một thời gian liên tục đặt mua cá tra loại có trọng lượng từ 2,5kg trở lên, phía Trung Quốc đột ngột hạn chế “ăn” hàng khiến người nuôi lỗ nặng.
Vừa bán xong một ao cá tra loại mỗi con có trọng lượng trên 5kg, bà Huỳnh Thị Lệ Hằng (xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) than thở: “Bỏ bao công sức mới nuôi được một ao có cá lớn như vầy mà phải bán lỗ. Nhưng bán được cũng đã là may, chứ nhiều hộ khác cá lớn chật ních cả ao, số lượng cả trăm tấn nhưng chưa thể bán được”.
Bà Hằng kể năm ngoái các doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế mua khiến cá tra nguyên liệu khó tiêu thụ, mấy ao nuôi của bà cá đã quá lứa lại càng khó bán. Đúng lúc đó, nghe thông tin ở TP.HCM đang lùng mua loại cá tra có trọng lượng từ 2,5kg trở lên với giá khá cao xuất sang Trung Quốc nên bà Hằng quyết định nuôi thúc để có cá “siêu trọng” bán cho họ. Sau khi thu hoạch một ao bán cho cơ sở An Khang (đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh) với giá 32.000 đồng/kg, lãi gần 100 triệu đồng, bà thả nuôi ao mới, đồng thời đứng ra mua cá cỡ lớn quanh vùng bán lại cho cơ sở này kiếm lời.
Mọi việc suôn sẻ khi cuối năm 2012, nhiều vựa cá ở TP.HCM mua cá “siêu trọng” để xuất qua Trung Quốc rất mạnh, giá cá tra lên 35.000 đồng/kg, loại mỗi con trên 5kg từ 40.000 đồng/kg. “Thế nhưng mấy tháng nay phía Trung Quốc giảm “ăn” hàng và giảm giá mua khiến giá cá bán tại ao chỉ còn 23.000 đồng/kg. Các vựa thu mua cá tra ở TP.HCM giờ cũng hạn chế mua khiến người nuôi bị thua lỗ nặng” - bà Hằng đau xót.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Phú (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) cũng cho biết đang “ôm” một ao cá “siêu trọng” nhưng giờ kêu bán thương lái chỉ mua “nhỏ giọt”, ngày vài tấn. “Ao hơn 100 tấn cá mà mỗi ngày bán chỉ vài tấn với giá 23.000 đồng/kg thì vừa lỗ về giá, vừa lỗ cá mất trọng lượng bởi thu hoạch kéo dài nhiều ngày” - ông Phú than.
Một số vựa cá ở An Giang, Đồng Tháp cũng cho hay từ năm ngoái đã có nhiều cơ sở kinh doanh thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) đặt hàng cá tra cỡ lớn để xuất qua Trung Quốc nên đã lùng mua loại cá tra “siêu trọng” để cung cấp. Cá thu hoạch tại ao được cho vô thùng ướp nước đá rồi chở lên tận nơi để các cơ sở đóng cá lại vào từng thùng xốp, sau đó vận chuyển qua biên giới phía Bắc. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn thỉnh thoảng đặt mua cá “siêu trọng” còn sống, cá loại này thì cho vô thùng nước có cung cấp oxy để đảm bảo sang bên đó vẫn còn khỏe. “Có lúc thương nhân Trung Quốc xuống tận các vùng nuôi cá tra tìm hiểu đặt mua cá cỡ lớn, được một thời gian thì... bặt tăm” - bà Lê Thị Như, thương lái chuyên mua cá tra ở Thường Lạc, Hồng Ngự (Đồng Tháp), tiết lộ.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc - chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, việc phía Trung Quốc mua cá tra cỡ lớn ngoài mục đích làm thực phẩm, rất có thể họ mua về làm cá bố mẹ để sản xuất giống nhằm phát triển nghề nuôi cá tra. “Do tình hình xuất khẩu khó khăn đã làm hàng loạt người nuôi cá tra bỏ nghề, nhiều trại giống thấy càng duy trì sản xuất càng thua lỗ nên đành bán luôn các đàn cá bố mẹ. Tới đây khi nghề nuôi cá tra phục hồi thì sẽ thiếu hụt nguồn giống” - ông Quốc trăn trở. Theo ông Quốc, để nuôi được loại cá trọng lượng từ 2,5kg mỗi con trở lên rất khó, thời gian nuôi kéo dài, giá thành khá cao. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua loại cá dưới 1kg mỗi con, các cơ sở khô phồng chỉ mua cá loại dưới 2kg. Vì vậy, nếu phía Trung Quốc ngưng “ăn” hàng thì bà con đành... bó tay, bởi loại cá “siêu trọng” rất khó tiêu thụ được số lượng lớn.
Tiêu thụ nội địa
Ông Lê Chí Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang - cho rằng thương nhân Trung Quốc mua cá thông qua thương lái trong nước nên các cơ quan chức năng khó phát hiện, còn nông dân thì thiếu cảnh giác nên lâm vào cảnh... chết dở. “Nếu phía Trung Quốc ngưng mua thì những hộ lỡ nuôi cũng nên bình tĩnh, tìm cách cho thu hoạch từ từ bán dần cho thương lái tiêu thụ nội địa, bởi cá tra trọng lượng lớn có thịt dẽ, rất ngon đang được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán tại các chợ cũng cao” - ông Bình đề nghị.