Tàn sát trên từng mét vuông
Mùa mưa này, ngày nào cha con ông Sáu Kho (ở xã Ninh Tịnh, TP.Tuy Hòa) cũng dầm mình kéo trủ (một kiểu lưới vây để bắt cá đồng). Lựa lúc nước ngơi xiết, xuống còn dưới ngực là cha con ông Sáu Kho “ủi” xuống khu đồng Ninh Tịnh.
Cha con ông đi từ tờ mờ sáng cho đến lúc đỏ đèn mới về nhà. Có cá đến đâu thì vợ ông Sáu Kho chực sẵn trên bờ, bưng ngay ra chợ. Gặp đoạn đường có nhiều người qua lại hỏi mua, bà bán luôn. Tấm lưới trủ nhà ông Sáu Kho gần 30 sải tay (dài trên 50m) cào kéo một mùa, đã đến lúc bung vành. Lời lãi từ những mẻ cá đồng, ông dư sức mua tấm trủ mới…
Đi dọc cánh đồng Ninh Tịnh, chúng tôi gặp ông Phan Văn Hạnh (50 tuổi), chuyên nghề châm điện và kéo trủ cá đồng. Ông Hạnh nói chi tiết:
“Khi nước còn lớn, mỗi nhát trủ kéo khoảng 100m, thường cũng kiếm được 5 – 7kg cá rô, sặc, trắng… Lúc nước cạn dưới ống chân, một nhát kéo trủ chỉ hơn 1kg cá con. Mờ sáng đến trưa được khoảng 10kg cá. Bạn hàng đang chờ trên bờ, lấy cá bỏ chợ, 3 lạng giá 5.000 đồng, vị chi buổi sáng kéo được trên 150.000 đồng. Chịu lạnh kéo trủ, ngày trúng cá, có thể kiếm 200.000-300.000 đồng…”.
Trủ và những tấm lưới mắt li ti, kèm thêm phần bọc chì “cày” sát đáy, thường thì 2 người cầm 2 đầu kéo thành một vòng tròn lớn, rồi thu dần diện tích… Đố con cá, con cáy nào thoát được loại trủ “độc” này!
Ông Hạnh cho biết thêm, riêng làng ông đã có trên trăm người kéo trủ, đó là chưa kể nơi khác ùa về. Nhìn rộng sang các cánh đồng phía huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa…, mùa nào cũng có cả ngàn người đi “chích” cá đồng từ sớm đến khuya. “Cánh đồng này, trước đây chỉ mươi người câu, lưới, bây giờ thì chen chúc người với đủ loại phương tiện đánh bắt tàn sát trên từng mét vuông. Cá nào còn...”- ông chép miệng.
Cá đồng… về đâu?
Ông Ngô Văn Định - chủ nhà hàng đặc sản Phú Yên (đường Lê Thành Phương, TP.Tuy Hòa), cho biết: “Khách sành điệu bây giờ không chỉ thưởng thức hải sản, họ luôn đòi hỏi các món ăn đặc trưng nhất của đồng quê xứ Nẫu. Ấy là cá rô, cá nhét, lươn đồng… mà phải là loại bắt từ tự nhiên, chứ không phải nuôi. Chúng tôi đặt hàng với giá cao nhưng không phải lúc nào cũng có. Trong các loại mắm bây giờ, khó kiếm nhất là mắm cá sặc, loại cá đồng nhỏ như đầu ngón tay này phải mùa mưa mới có, mà không hiểu sao cũng khan hiếm dần”.
“Nhiều người kéo trủ, châm điện… quá, mà bản thân đồng nước bây giờ cũng đã cạn kiệt cá rồi, nên cá nào còn” - ông Sáu Kho than thở. Rồi ông tự trả lời:
“Biết rằng cào bắt những lứa cá con bằng đầu mút đũa, chưa lớn kịp, thấy tiếc, nhưng phải tranh thủ kiếm cơm. Dân quê vùng này, mùa nước lên, biết làm gì ra tiền đây? Vậy nên cá có kịp lớn đâu! Vả lại, thuốc diệt cỏ, trừ sâu bây giờ nhiều quá; ruộng đồng, bãi lầy cho cá trú ở đã dần bị san bằng. Cá đồng không ít mới lạ!”.
Già Sung năm nay đã 80 tuổi, sống ở Ninh Tịnh (Tuy Hòa) từ thuở lập làng, nhớ lại và chua xót: “Ngày xưa, sau mùa nước nổi, cánh đồng Ninh Tịnh từ bàu Sen cho đến phường Chiếu, cá ơi là cá! Sau lũ lụt, cá đồng ở đây hàng tấn, nuôi sống dân làng mấy tháng trời. Nay người ta đánh bắt theo kiểu huỷ diệt như kéo trủ, châm điện, băm cây lá độc thả cho cá “say” rồi vớt… nên những đàn cá non nớt không kịp lớn”.
Một cán bộ ngành nông nghiệp Phú Yên cho biết: Căn nguyên “tàn phai” cá đồng là vấn đề thiếu chương trình đồng bộ trong bảo vệ các loài thuỷ sinh nước ngọt, môi trường nông thôn bị tàn phá nghiêm trọng, hầu hết các sản vật tự nhiên đều hướng đến... tuyệt chủng!