Ban đầu, bao nhiêu giống thả xuống chúng chết bấy nhiêu. Không nản lòng, anh tiếp tục thả nuôi và “bám sát” lũ lươn cả ngày lẫn đêm để tìm hiểu phản ứng của chúng trong điều kiện nuôi mới, để sau đó có giải pháp khắc phục. Sự kiên trì và sáng tạo đã mang lại cho anh Lê Văn Hoàng (44 tuổi) ở thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) thành công ngoài mong đợi.
Khởi nghiệp từ con lươn
Xuất thân là nhân viên ngành nuôi trồng thủy sản của huyện Hoài Nhơn, một trong những địa phương có phong trào nuôi tôm mạnh của tỉnh Bình Định. Ngày ngày gắn bó với các vùng nuôi tôm, tiếp cận với từng hồ tôm, anh Lê Văn Hoàng nhận ra vào cái thời “mưa nắng thất thường” này, lại thêm nguồn nước nuôi tôm ngày càng ô nhiễm, nếu bây giờ mình bắt đầu “dựng cơ nghiệp” cho gia đình bằng con tôm thì thất bại là cầm chắc.
Trong quá trình tìm hiểu, anh thấy con lươn ít người nuôi, trong khi đó nhu cầu của thị trường tiêu thụ rất mạnh nên anh quyết tâm đến với con lươn. Thế là anh tay nải tay xách vào tận Hóc Môn (TP.HCM) để học nghề.
Sau khi tham quan nhiều mô hình, học hỏi được một số kiến thức cơ bản, anh Hoàng về quê đầu tư 100 triệu đồng xây dựng 14 hồ nuôi lươn. Hồ nuôi được lát gạch chống thấm, hệ thống bơm lọc nước bài bản.
Đầu năm 2015, được Trung tâm Giống thủy sản Bình Định hỗ trợ 1.500 con (khoảng 40kg) lươn giống cấp 2 để anh làm mô hình thí điểm nuôi lươn không bùn. Sau gần 6 tháng nuôi, lươn phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 200 - 250g/con, tỉ lệ sống trên 97%, sản lượng gần 350 kg lươn thương phẩm.
Trong thời điểm này, anh còn nhập thêm 250kg lươn giống từ huyện Củ Chi (TP.HCM) về thả nuôi để có thu hoạch gối đầu. Mô hình đã cho anh Hoàng gặt hái thành công mỹ mãn. Từ khi khởi nghiệp nuôi lươn đến nay anh đã xuất bán gần 700kg lươn thương phẩm. “Đúng như tôi nhận định ban đầu, thị trường tiêu thụ “ăn” lươn rất mạnh, chỉ sợ không có lươn mà bán, mình xuất bao nhiêu lươn là các thương lái thu mua tất”.
Lươn nuôi của anh Hoàng không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác. Đối tượng tiêu thụ chính là các nhà hàng ở TP.HCM. Sức tiêu thụ ngày càng mạnh khiến anh Lê Văn Hoàng càng có thêm động lực để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.
Chuyển sang giống tự nhiên
“Giống nhân tạo dễ nuôi mà khó bán, còn giống tự nhiên khó nuôi nhưng bán sướng lắm. Bởi da chúng có màu vàng trông như lươn đồng rất bắt mắt, thịt lại ăn ngon hơn lươn nuôi bằng giống nhân tạo gấp nhiều lần nên thị trường tiêu thụ rất ưa chuộng”, anh Hoàng đúc kết.
Nuôi giống lươn tự nhiên trong điều kiện không bùn phải chăm chút chúng từng li từng tí chúng mới phát triển.
Tuy nhiên, cũng theo anh Hoàng, đưa con giống tự nhiên vào nuôi trong điều kiện không bùn trong hồ xây là cực kỳ khó. “Đã nuôi chúng là phải “gắn đời” với chúng, phải chăm chúng như chăm con mọn để chúng quen với môi trường mới mong thành công”, anh Hoàng chia sẻ.
Anh Hoàng kể: Từ con giống tự nhiên, anh Hoàng mang về thuần dưỡng cho chúng quen với môi trường nhân tạo bằng đủ cách như: Lấy nước lấy từ đồng ruộng vào hồ để nuôi, canh mực nước vừa phải, trộn thuốc chống sốc, thuốc trị bệnh đường ruột vào thức ăn cho lươn để chúng có sức chống chịu tốt, tạo thêm chùm dây nilon trong hồ nuôi để lươn có chỗ trú ẩn…
Dẫu đã như thế nhưng lũ lươn vẫn chưa thể thích ứng. Thời gian đầu, anh Hoàng nuôi bao nhiêu… chết bấy nhiêu. “Thấy tụi nó thay nhau chết mà lòng tôi nóng như lửa đốt. Tôi luôn đặt câu hỏi mình còn sơ xuất ở công đoạn nào mà lũ lươn không sống được. Không nản lòng, tôi tiếp tục gây giống hồ lươn mới, theo dõi tụi nó kỹ hơn để biết ý mà chiều. Cuối cùng, đến nay tôi đã hiểu “tâm tính” của chúng đến khoảng 80%, chỉ cần chừng ấy là nuôi thành công rồi. Thú thật, không nuôi con gì khó như nuôi con lươn đồng này”, anh Hoàng bộc bạch.
Hiện nay, lươn lớn (2 con/kg) anh Hoàng bán được 170.000 đồng/kg. Sau 6 tháng nuôi, mỗi hồ nhỏ cho anh thu hoạch cả tạ, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua các hồ nuôi cho thu hoạch trên 1.500 kg lươn thương phẩm để xuất bán ra thị trường.
“Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Hoàng khá mới và đã cho thấy hiệu quả cao. Sau khi theo dõi thêm chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này cho bà con nông dân cùng làm để cải thiện thu nhập trong nông hộ”, bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định.