Với cái nghề nuôi tôm này thì người nuôi tôm cũng không khác người nông dân trồng lúa là mấy, cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chú Năm kể nhiều lắm, vui có buồn có, nhưng mà có 3 sự kiện làm chú nhớ nhất, cũng “đau” nhất xưa đến giờ trong “sự nghiệp” nuôi tôm hoành tráng của chú.
Chú tôi bắt đầu nuôi tôm từ những năm 2000, khi mà con tôm sú đang ở đỉnh cao của sự ưa chuộng. Cũng giống với đa số mọi người, chú Năm cũng đào ao trên nền đất ruộng để nuôi tôm sú. Với một cái ao nhỏ thì mật độ thả lúc ấy rất thưa, chú cho tôm ăn thức ăn tự chế. Chú kể là lợi nhuận thì cũng có, nhưng không nhiều. Lần hồi con tôm thẻ lên ngôi, chú lại chuyển đổi sang nuôi loài này cho đến bây giờ, ngót nghét cũng gần 20 năm.
Bà con rầm rồ lên ao lên bạt là cái mừng nhưng cũng kèm nhiều nỗi lo. Ảnh: Tepbac.
Cái hồi khoảng 7- 8 năm trước, chú Năm bán đất nên có tiền để đào thêm ao, thả thêm giống. Học nuôi thâm canh, tấn cho bạt với người ta. Chú kể lúc đó nuôi tôm thẻ đang phát triển dữ lắm. Người người nhà nhà nuôi tôm luôn chứ không ít. Chú Năm thì nuôi 4 ao, chú nói tôm đang sung lắm, ăn mạnh mà lại lớn nhanh nữa. Theo chú tính thì một ao cũng được khoảng 1,1-1,2 tấn tôm, bởi vì thăm vó cữ ăn nào cũng hết, mà tôm lại vô vó nhiều nên chú đoán chắc thế nào cũng có lời.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Vụ đó chú lỗ hơn 300 triệu. Chú kể hôm trước khi bán, tôm vẫn ăn mạnh bình thường, nhưng đến hôm sau kéo tôm lên, thì một ao chỉ còn hơn 400kg. Trong khi lượng thức ăn rải xuống là cho hơn 1 tấn tôm ăn. Lúc đó chú bật ngửa tại chỗ, trong đầu cứ tự hỏi mình là tại sao. Hôm sau, chú trong tâm trạng thất chí đi lòng vòng bờ ao thì trời ơi, chú phát hiện dấu của việc kéo lú còn hằn trên cỏ. Vì ao xa nhà, nên ngày 2 buổi, chú có về nhà khoảng 30 phút để ăn cơm. Chú nói chắc kẻ gian biết nên lấy trộm tôm lúc đó. Bao nhiu công sức đổ sông đổ biển, chú cứ vậy mà cố gắng phấn chấn, rồi nuôi tiếp mấy vụ sau. Nhờ trời thương, nên sau đó lần hồi cũng trả được dứt nợ.
Đôi khi vì kẻ gian mà ngày vui bỗng hóa buồn. Ảnh: Tepbac.
Vụ thứ 2 chú nhớ rất rõ là năm 2018. Tôm chú nuôi lúc ấy đã hơn 2 tháng, mọi thứ đều rất suông sẻ. Chú đã đi một vòng hết mấy ao tôm rồi mới trở về chồi ngủ. Bình thường mọi ngày chú sẽ bật quạt vào 11h đêm đến sáng, nhưng hôm đó khá buồn ngủ nên mới 9h là chú bật rồi. Đến 1h chú dậy, đi vòng ao thì vẫn chưa có gì xảy ra. Chú trở về chồi ngủ đến sáng, ra ao thì thấy tôm nhảy lên rồi chết. Chú lật đật đánh oxy cấp cứu nhưng đã quá muộn, tôm chết đã hơn một nửa. Rồi chú kéo lên bán đổ bán tháo. Một cái giá lớn mà chú lại phải trả khi quá ham ngủ. Khi kiểm tra lại giàn quạt thì chú phát hiện cây trục dài bị gãy, tôm bị hụt oxy giữa đêm đếm sáng mà chú không hay nên chúng nó chết, để lại chú Năm với một cục nợ lớn.
Khi nuôi tôm, sự cố có thể xảy ra vào những lúc chú Năm không lường trước được. Ảnh: Tepbac.
Vụ thứ 3 thì mới xảy ra vào đầu năm nay, cũng có thể nói là do chú Năm chủ quan. Tôm cũng lại chết vì bị sự cố khi đã sắp được xuất bán. Buổi tối đó cầm đèn đi vòng vòng thì chú thấy tôm nổi nhiều ở cái ao đang sung nhất. Vì kinh nghiệm đầy mình nên chú chạy đi kiểm tra quạt liền, thì thấy vẫn bình thường. Chú cũng tạt này tạt kia để cấp cứu, nhưng thấy tình hình vẫn nguy cấp nên chú quyết định kéo bán ngay luôn. Tuy nhiên vẫn không kịp. Chúng nó cứ như vậy mà chết ngon lành. Đợt này thì chú biết chắc chắn là do sụp tảo (tảo tàn) đột ngột. Cấp cứu nhanh cũng không giải quyết được. Lại thêm một kinh nghiệm để đời cho chú Năm của tôi.
Có những vụ tôm tưởng chừng nắm chắc, những đột ngột gặp sự cố. Ảnh: Tepbac.
Vậy đó, chú nói làm ăn thì phải có lúc này lúc khác, đâu phải lúc nào cũng được suông sẻ. Chú vẫn còn nuôi tôm đến bây giờ, thì nghề này cũng đâu có bạc lắm. Tuy nhiên, đừng để sự chủ quan như ông chú của tôi gây thiệt hại lớn như vậy, vì những việc trên hoàn toàn có thể lường trước và xử lý được. Tôi mong rằng đây sẽ là một lời cảnh tỉnh cho những ai đang lơ là với ao nuôi của mình. Đừng va vào vết xe đổ của chú tôi!