Đồng Tháp là tỉnh nội đồng, nghề khai thác thủy sản thuộc loại hình nghề cá phân tán với qui mô nhỏ, phương tiện khai thác đơn giản, nhỏ, thô sơ, ngư cụ đánh bắt thường là ghe cào, lưới thả, lưới giựt, chà, vớn, đăng, đáy,… Hoạt động khai thác thường tập trung vào mùa lũ, chủ yếu ở các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, thị xã Hồng Ngự và thành phố Sa Đéc.
Để công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thực hiện có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 24/01/2014 về việc triển khai Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 theo Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã thực hiện được 03 năm và đạt được những hiệu quả nhất định:
Đã góp phần ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản
Không cấp phép khai thác thủy sản đối với các ngư cụ làm suy giảm NLTS như: Cào gọng, đẩy te (xiệp), cào hến,…Nghiêm cấm đặt các ngư cụ tại điểm cố định (chà, đăng, vó, nò, bò,…) để khai thác thủy sản trên các sông, kênh, rạch thuộc phạm vi tỉnh quản lý và quản lý nghiêm việc đặt ngư cụ Đáy khai thác thủy sản trên các tuyến đường thủy nội địa,... theo Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 11/11/2015 ban hành Quy định việc quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Xử lý ghe cào sử dụng xung điện khai thác thủy sản trái phép (Ảnh: Thanh Tâm)
Công tác thanh tra, kiểm tra khai thác thủy sản đã xử lý, giáo dục, nhắc nhỡ các đối tượng vi phạm về kích điện, kích thước mắc lưới nhỏ, mùa vụ cấm khai thác,... Song song đó, hằng năm đều tổ chức thả giống thủy sản bản địa quý hiếm bổ sung vào thủy vực tự nhiên. Khảo sát nắm tình trạng buôn bán, vận chuyển và lưu giữ cá con tại các chợ trên địa bàn tỉnh để có những biện pháp kịp thời ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Đào tạo nghề chuyển đổi nghề khai thác thủy sản
Công tác chuyển đổi nghề nghiệp được quan tâm, đã tổ chức các đợt điều tra nắm lại số hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chuyên sống bằng nghề khai thác thủy sản tự nhiên để có chính sách xã hội, kế hoạch cho vay tín dụng hỗ trợ vận động chuyển đổi nghề nghiệp. Đã tổ chức trên 72 lớp đào tạo nghề, dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy sản (kỹ thuật nuôi lươn, nuôi ếch, nuôi cá sặc rằn,...),...từng bước cho người dân kiếm thêm thu nhập giảm áp lực khai thác thủy sản tự nhiên, chuyển đổi hình thức khai thác thủy sản tận thu, tận diệt sang các hình thức khai thác truyền thống theo quy định của pháp luật hoặc các ngành nghề đã được đào tạo.
Công tác tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái
Để nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngoài viêc̣ kết hợp kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản mang tính tận diệt nguồn lợi, hủy hoại môi trường và các hệ sinh thái thủy sinh thì công tác thả giống nhằm tái tạo quần đàn của các loài thủy sản ở các thủy vực nước ngọt nội địa cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đây là một hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt; đồng thời, cung cấp một phần nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, sạch, an toàn góp phần nâng cao sinh kế cho cộng đồng nhân dân. Tạo sự hưởng ứng tích cực cùng cộng đồng, dân cư, người dân cùng chung tay phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ký kết và triển khai tốt Kế hoạch phối hợp với Giáo hội phật giáo tỉnh về việc tăng cường quản lý các hoạt động phóng sinh, thả giống tái tạo các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Hằng năm đều tổ chức thả cá giống ra môi trường tự nhiên tái tạo và bảo tồn NLTS chủ yếu bằng hình thức xã hội hóa, vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, tổng số lượng được thả là hơn 4 triệu con cá giống, bao gồm các loài cá bản địa, quý hiếm, có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học (như Cá He vàng, Mè vinh, Hô, Mè hôi, Cóc, cá Chài, Cá tra nghệ, Ét mọi, Thát lát cườm,..).
Công tác bảo tồn nội địa
Tăng cường công tác kiểm tra nguồn lợi thủy sinh và bảo vệ NLTS tại các khu bảo tồn nhằm khôi phục sinh cảnh, tạo môi trường sống, môi trường sinh sản cho các loài thủy sản bản địa, qua đó bảo tồn gen những loài thủy sản có giá trị kinh tế (cá dầy, cá Hô, trê vàng, lươn, cá rô, sặc rằn,...). Phục hồi, tái tạo NLTS, đặc biệt là các giống loài thủy sản quý hiếm, bảo vệ các hệ sinh thái thủy sinh tại các vùng nước nội địa; Quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi, giữ gìn đa dạng sinh học các vùng nước nội địa ở mức độ cao. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của xã hội, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống xung quanh khu bảo tồn, đối với việc giữ gìn, bảo vệ các khu bảo tồn, sự đa dạng NLTS vùng nước nội địa.
Xây dựng Dự án: “điều tra tổng thể đa dạng sinh học của hệ sinh thái thủy vực trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, xác định loài cần bảo tồn và khu vực cần quy hoạch bảo tồn”; Kế hoạch điều tra thống kê thủy sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Xây dựng và triển khai nhân rộng nhiều đề tài, nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển NLTS, đa dạng sinh học và nuôi trồng thủy sản, ứng dụng vào thực tiễn.
Định hướng trong giai đoạn tiếp theo sẽ: Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ NLTS và môi trường sống của các loài thủy sinh vật. Xây dựng tài liệu, hình thức tuyên truyền phong phú về nội dung và cách tiếp cận hiệu quả; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chuyên trách phục vụ cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển NLTS; Phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh, vận động các tổ chức chính trị, xã hội; tăng ni phật tử, người dân tham gia thả giống tái tạo nhằm phục hồi NLTS đang bị suy giảm; Chú trọng xây dựng và triển khai nhân rộng các đề tài, nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển NLTS.
Những nỗ lực của Đồng Tháp đã và đang góp phần hồi phục nguồn lợi thủy sản, giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sản mà đặc biệt là việc thay đổi nhận thức người dân trong việc quản lý khai thác và tái tạo nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng đang phát huy hiệu quả.