Cụ thể: Chỉ đạo các xã, phường tăng cường tuyên tuyền, vận động, ký cam kết, thực hiện xử lý hành chính đối với các hộ vi phạm. Theo đó, các xã, phường đã thành lập tổ công tác do đồng chí phó chủ tịch UBND xã, phường làm tổ trưởng, tổ chức thống kê diện tích của cá nhân, tổ chức nuôi tôm trên địa bàn và 100% hộ nuôi tôm đã ký cam kết. Thị xã cũng thành lập tổ công tác liên ngành để xử lý, xử phạt và đã xử phạt hành chính Công ty CP Thủy sản Sông Vàng số tiền 15 triệu đồng do vi phạm qui định trong khai thác nước ngầm; phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT thanh tra đột xuất đơn vị, xử phạt số tiền 10 triệu đồng, đồng thời yêu cầu Công ty có các biện pháp xử lý nước thải, bảo vệ môi trường và tiến tới dừng việc nuôi tôm sau khi thu hoạch.
Cùng với đó, thị xã đã triển khai mô hình đưa một số đối tượng nước ngọt vào nuôi thay thế. Tuy nhiên, do việc nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao nên một số hộ dân bất chấp khuyến cáo của địa phương, cơ quan chuyên môn vẫn tiếp tục nuôi. Đến nay, diện tích nuôi tôm trên địa bàn là 81,5ha với 180 hộ nuôi và 140 giếng khoan.
Việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và khiến người nuôi thiệt hại về lâu dài. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, cần thiết phải nghiêm cấm, xoá sổ mô hình sản xuất này, còn nếu bắt buộc phải phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt thì nhất thiết phải quy hoạch thành vùng nuôi tập trung với những điều kiện khắt khe đi kèm.