Sau hơn 10 năm bỏ hoang, 71ha đìa nuôi tôm đang hoạt động trở lại với một dự án mới.
Điều đáng tiếc, ngoài việc thất thoát hàng tỷ đồng, những hộ dân trong vùng dự án bị thu hồi đất không thể đào đâu ra hàng chục triệu đồng để đóng cổ phần, vì thế đành nhường quyền lợi của mình cho chủ đầu tư.
Đầu tư để… bỏ hoang
Với vị trí giáp biển, có nhiều bãi bồi tự nhiên, xã Cam Thịnh Đông rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi tôm công nghiệp. Chính vì thế, tháng 7-2000, nơi đây đã được UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Vùng nuôi tôm công nghiệp Cam Ranh” bằng nguồn vốn của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Dự án được lập ra với mục đích tạo nguồn nguyên liệu tôm đảm bảo chất lượng, ổn định cho chế biến xuất khẩu của địa phương và cả nước, tạo việc làm cho nhân dân, tăng thu cho ngân sách…
Theo hồ sơ, dự án nuôi tôm công nghiệp ở đây được xây dựng ở 2 khu vực, có tổng diện tích hơn 160ha, thuộc địa phận thôn Mỹ Thanh với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Năm 2001, dự án khu vực 1 được triển khai hơn 71ha, tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng, chia làm 5 gói thầu và được thực thi trong 3 năm (từ năm 2000 đến 2002). Theo thiết kế, vùng nuôi tôm công nghiệp này bao gồm các hạng mục: Xây dựng hệ thống 44 hồ nuôi, 44 cống thoát nước, một trạm bơm nước ngọt, hệ thống đường ống dẫn nước ngọt, ao chứa, đê bao, kênh cấp nước… Đến cuối năm 2003, 4/5 gói thầu đầu tiên hoàn thành. Để kịp tiến độ, ngày 6-11-2003, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp gói thầu số 5 bao gồm các hạng mục: Trạm bơm nước ngọt, đường ống dẫn nước ngọt (đường ống dẫn bằng thép) với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, thời gian thi công sau 70 ngày (do Công ty TNHH Khánh Phương - Nha Trang trúng thầu thi công). Như vậy, nếu theo hợp đồng thì gói thầu này sẽ hoàn chỉnh và bàn giao cho chủ đầu tư vào đầu năm 2004. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến tận năm 2007, đơn vị thi công mới hoàn thành gói thầu? Trong khi đó, khi bàn giao xong gói thầu số 5 thì các hạng mục thi công trước đây đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Chính sự không đồng bộ, thiếu nhất quán trong việc triển khai thi công, chỉ đạo công trình đã làm cho dự án không phát huy được hiệu quả. Một thời gian dài, vùng nuôi tôm trù phú trước đây của người dân đã biến thành cánh đồng hoang, trong lúc có không ít người thiếu đất sản xuất, phải đi làm thuê, làm mướn.
Dự án hồi sinh, người dân vẫn thua thiệt
Sau 10 năm bỏ hoang, các hạng mục công trình vùng nuôi tôm công nghiệp Cam Ranh đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều hạng mục như: trạm bơm nước; ao tôm, cống thoát nước được bao chắn bằng bê tông bị lún sụt, hư hỏng nặng, cỏ dại và cây bụi mọc um tùm… Do dự án phá sản, để giải quyết hậu quả, UBND TP. Cam Ranh đã có tờ trình xin phép UBND tỉnh cho phép Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận - Cam Ranh tiếp nhận dự án và chuyển đổi sang hình thức cổ phần. Theo đó, đến tháng 3-2009, UBND tỉnh đã đồng ý để Công ty thuê lại đất nuôi trồng thủy sản trên vùng đất này với thời gian 30 năm (đến 2038), tổng diện tích hơn 71ha và mua lại tài sản trên đất. Đến năm 2010, đơn vị này mới chính thức nhận bàn giao. Sau khi tiếp nhận, doanh nghiệp đã tiến hành cải tạo diện tích đìa, hệ thống cấp thoát nước và đang tiến hành nuôi tôm.
Ông Nguyễn Quang Tính - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận - Cam Ranh cho biết: “Năm 2010, Công ty tiếp nhận bàn giao dự án, nhưng do còn một số vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải tỏa, cơ sở hạ tầng xuống cấp nên chưa thể tiến hành thả nuôi. Sau gần 2 năm tiến hành cải tạo, năm 2012, chúng tôi bắt đầu thả nuôi vụ đầu tiên với gần 100 ao tôm (100% ao nuôi), hơn 75 triệu con giống tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, Công ty đang tạo việc làm cho gần 80 lao động; sau khi trừ ăn uống, thu nhập đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lương cơ bản, sau mỗi vụ nuôi, công nhân được thưởng thêm 1 triệu đồng/tấn tôm thương phẩm. Đến thời điểm này, thời gian nuôi tôm được hơn 2 tháng. Nếu đạt ở vụ tôm này, Công ty thu được hơn 500 tấn tôm thương phẩm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án được khảo sát, thiết kế và xây dựng khi phong trào nuôi tôm sú ở Khánh Hòa đang thời hoàng kim. Giai đoạn 2000 - 2005, khu vực này là một vùng nuôi tôm sú với hàng trăm đìa tôm cho năng suất cao, tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng. Khi dự án được triển khai, người dân nơi đây phải chịu nhiều thiệt thòi, bị “đánh bật” khỏi nơi làm ăn, sinh sống của mình trong nhiều năm, nhiều gia đình bỗng chốc trở thành người không có “mảnh đất cắm dùi”. Do không có đất sản xuất, họ gắng gượng mưu sinh bằng những công việc bấp bênh, thu nhập thấp như: làm thợ hồ, đi giăng câu thả lưới, chăn dê, bò, thậm chí có nhiều người phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - người có đất bị thu hồi trong vùng dự án cho biết: Gia đình tôi có 6 sào nuôi tôm. Từ khi có dự án, tôi phải bàn giao mặt bằng, được nhận đền bù 13 triệu đồng và chờ ngày được vào dự án nuôi tôm. Thế nhưng, sau gần 10 năm, tôi và các hộ dân nơi đây chờ mỏi mắt vẫn không thấy dự án triển khai. Đến năm 2010, chúng tôi được thông tin dự án bị bỏ và bàn giao cho Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận mà không hề đề cập đến quyền lợi của các hộ dân bị giải tỏa trong vùng.
Trước đây, nếu dự án đầu tư công, việc thu hồi đất, đền bù theo giá thấp thì chúng tôi vẫn chấp nhận. Tuy nhiên hiện nay, dự án công bỗng dưng biến thành tài sản tư, liệu có hợp lý”.
Được biết, sau khi Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận tiếp quản dự án, do không có mấy chục triệu đồng để mua cổ phần nên 26 hộ dân thuộc diện giải tỏa đành nhường quyền lợi của mình cho chủ đầu tư mới.
Không thể phủ nhận, vùng nuôi tôm công nghiệp hồi sinh đã giải quyết được một phần lãng phí ngân sách Nhà nước của dự án bị kéo dài nhiều năm. Mặt khác, nếu việc nuôi tôm của Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận phát triển ổn định thì mục đích tạo nguồn nguyên liệu tôm đảm bảo chất lượng, ổn định cho chế biến xuất khẩu của địa phương và cả nước, tạo việc làm cho nhân dân trong vùng, tăng thu cho ngân sách là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và nhà đầu tư cũng cần xem xét đến quyền lợi của người dân trong vùng dự án, những hộ gia đình có đất bị thu hồi, giải tỏa.