Giữ gìn môi trường
Trong căn nhà sang trọng nơi cửa biển vào một ngày lạnh giá áp tết Giáp Ngọ, ngư dân Lê Văn Huệ, trú phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) khẳng định với tôi về những điều ông nói ở trên. Ông cũng chính là chủ nhân biến ý tưởng “làm nhà” cho cá ở thành hiện thực giữa trùng khơi biển cả cách đây ba năm về trước.
Trong chuyến ra khơi vào thời điểm áp Tết năm 2009, người đàn ông có thân hình vạm vỡ, nước da đen bóng và hơn chục lao động phải trở về tay trắng do không tìm thấy luồng cá. Chuyến đi này, ông Huệ tiêu tốn gần chục triệu đồng gồm tiền xăng dầu, tiền ăn uống, sinh hoạt của anh em thuyền viên.
Trở về đất liền, ông nằm vắt tay lên trán ngẫm nghĩ, mình sinh ra lớn lên gắn bó với nghề biển, kinh nghiệm có, phương tiện hiện đại với thiết bị máy dò cá hỗ trợ, vậy nhưng sản lượng khai thác vẫn ngày càng sụt giảm. Biển cả rộng mênh mông, cá luôn tìm cách lẩn trốn sự săn bắt của con người, ngư dân đón đúng luồng nhưng không phải lần nào cũng thành công mang về mẻ lưới đầy ắp hải sản.
“Tui nghĩ, con người ta có cái nhà thì con cá cũng phải có nơi ở chứ. Mang suy nghĩ này tâm sự với vợ, bà ấy bảo ông điên rồi, răng mà làm nhà dưới đáy biển được! Tui nói, tui không điên, tui phải làm thử một lần xem sao” - ông Huệ nhớ lại.
“Ngôi nhà” của cá được ông Huệ thiết kế tỉ mỉ. Nó giống như bức tường lớn vậy. Vật liệu được đưa từ đất liền ra khơi gồm luồng cỡ bự dài từ 15m trở lên, rọ sắt đan bằng thép 3 ly, đá hộc, lá cọ hoặc lá dừa, dây buộc vài chục kilôgam.
Khi đến địa điểm “xây nhà”, các ngư dân sẽ dùng dây buộc 5-7 cây luồng lại với nhau, kết lá cọ hoặc lá dừa thành từng tấm lớn, đá sẽ được xếp vào rọ. Các công đoạn trên xong xuôi, thuyền viên thả luồng xuống biển theo chiều thẳng đứng, lúc này rọ đá phát huy công dụng giúp cây luồng cắm sâu vào đáy biển, những tấm “phên” đan sẵn được treo vào hệ thống dây buộc.
Ngư dân Hồ Thế Khanh - chủ tàu NA - 0107 - TS nói: “Chú cứ hình dung như thế này cho dễ hiểu, khi “ngôi nhà” hoàn thiện sẽ tạo ra bóng râm như cây cổ thụ trên mặt đất vậy. Dòng hải lưu di chuyển mang theo sinh vật phù du bám vào “nhà”, từ đó hải sản sẽ kéo về đây cư trú, kiếm nguồn thức ăn”.
Lúc này nét mặt ông Huệ dãn ra biểu lộ nụ cười bí ẩn, ông cắt ngang lời người bạn nghề rồi kể: “Ngay sau khi dựng xong “ngôi nhà” đúng một tháng, tui cho anh em vây lưới thử. Vui lắm chú ạ, mẻ đầu tiên đó, chúng tui kéo được gần 10 tấn toàn cá trích, cá nục.
Qua mấy năm đánh bắt bằng cách này, tui rút ra kinh nghiệm, cá nó vào “nhà mình” rồi còn phải tính tới con nước, yếu tố thời tiết, kỹ thuật giăng lưới mới đạt được hiệu quả cao”. Từ thành công bước đầu, ông Huệ “xây” thêm ba “ngôi nhà” tương tự với mục đích nhằm tăng thêm sản lượng, đánh bắt luân phiên.
“Đến nay, việc “xây nhà” cho cá ở không còn là “độc quyền” của anh Huệ nữa, nhiều ngư dân ở vùng biển Cửu Lò cũng làm như vậy. Sản lượng đánh bắt thường mang về nhiều niềm vui, tạo nguồn thu nhập ổn định cho anh em thuyền viên và giữ gìn môi trường biển trong sạch” - ngư dân Nguyễn Văn Phượng nói.
Ngư dân Lê Văn Huệ trải lòng cùng PV Báo Lao Động. Ảnh: Anh Tuấn.
Bắt được sẽ giết!
Đặc thù của “nhà” dụ cá về không đứng cố định ở một chỗ. Dựa vào kinh nghiệm, ngư dân thường di chuyển “căn hộ” tới những địa điểm được xác định có nhiều cá, hoặc luồng hải sản đi qua. Mặt khác, mỗi “ngôi nhà” thường phải dựng cách nhau từ 5-7 hải lý nên việc kiểm soát, canh giữ đối với chủ nhân gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng điểm yếu này, kẻ xấu dùng mìn nhồi xuống những “ngôi nhà” của người khác làm để đánh trộm cá khiến ngư dân khai thác hải sản bằng hình thức đánh bắt truyền thống, kết hợp sáng kiến đang tỏ ra rất bức xúc.
Ngư dân Lê Văn Huệ khá tức giận khi nhắc tới chuyện này. Ông “nóng trong người” cũng là điều dễ hiểu, bởi để làm được “ngôi nhà” dưới đáy biển ngoài tốn kém về tiền bạc mua sắm vật liệu còn đòi hỏi sự công phu, kiên trì của thuyền viên.
Song khi kẻ xấu lợi dụng sơ hở nhồi mìn xuống rồi kích nổ thì nhà bị nát tan tành, gây thiệt hại kép. Cá trúng mìn chết chìm xuống biển, những người khai thác theo kiểu tận diệt này chỉ việc lặn xuống đáy đại dương bốc chiến lợi phẩm đưa lên tàu rồi nhanh chóng tẩu thoát. Ngư dân Huệ bức xúc: “Nhiều lần “nhà” bị phá, tui ức lắm, cứ nghĩ lúc bọn hắn đang đánh mà bắt được quả tang, nóng máu lên là giết luôn.
Cuộc sống của bao nhiêu con người đều nhìn, trông chờ vô “ngôi nhà” đó, nó cứ rình mình về là ra đun mìn. Tai hại lắm chú ạ. Cá chết chìm, chúng lặt không hết sẽ phân hủy gây ô nhiễm môi trường, khiến các loài hải sản không dám bén mảng tới nữa. Muốn khôi phục lại được cũng phải mất từ 6 tháng đến cả năm đó”.
Tôi hỏi ông, sao không báo cho lực lượng kiểm ngư hay bộ đội biên phòng? Ông Huệ cho biết, lực lượng chức năng cũng luôn nỗ lực để bảo vệ nguồn lợi hải sản, ngăn chặn nạn khai thác cá biển bằng mìn, kích điện. Nhưng làm sao để kiểm ngư bao quát hết cả vùng biển rộng mênh mông. Đám “ngư tặc” thường theo dõi, khi phát hiện tàu kiểm ngư, biên phòng về, không thấy người canh gác “nhà” cho cá ở thì lập tức tuôn mìn xuống lòng biển. “Bọn “ngư tặc” ranh mãnh lắm, muốn xử lý thì phải bắt quả tang, nhưng nếu bị phát hiện ngay lập tức chúng sẽ vứt hết mìn xuống biển ngay. Chúng chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt mà không tính đến hậu quả lâu dài” - ông Huệ thở dài.
Liên kết tổ nghề
Không chỉ đưa ra phương thức khai thác vừa mang lại hiệu quả, vừa bảo vệ được môi trường, nguồn lợi thủy sản, ông Huệ còn là người đưa ra ý tưởng liên kết hội nghề. Theo đó, mỗi hội thường có từ 3-4 chủ tàu với khoảng 40 thuyền viên.
Những người trong hội có trách nhiệm hỗ trợ nhau lúc gặp hoạn nạn, khi vận chuyển hải sản về đất liền và chở lương thực, thực phẩm ra khơi. Ông Nguyễn Hữu Loan - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Cửa Lò - cho biết: Vào thời điểm năm 2008, tình hình giá xăng dầu tăng đột biến, ông Huệ là người đưa ra ý tưởng và thực hiện việc liên kết tổ nghề. Hội Nông dân thấy đây là việc làm tốt cần được nhân rộng. Chính vì vậy hội kêu gọi ngư dân đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, dông tố, bão bùng.
Từ tổ liên kết của ông Huệ, đến nay ở thị xã Cửa Lò đã hình thành nên hàng chục tổ liên kết khác để tương trợ lẫn nhau rất hiệu quả. Cụ thể, có lần tàu cá của ông Nguyễn Văn Vinh bị chết máy ở đảo Mắt (cách đất liền 12 hải lý), khi đó tàu của ông Huệ đang đánh bắt cách khu vực này gần 10 hải lý. Song nhận được tín hiệu kêu cứu, ông Huệ tức tốc quay trở lại lai dắt tàu bạn về đất liền an toàn, bảo vệ tính mạng cho hơn 10 thuyền viên.
Cũng theo ông Loan kể thì ông Lê Văn Huệ còn là người có biệt tài trong việc dò tìm luồng cá dựa vào sự di chuyển của dòng hải lưu. Mỗi khi phát hiện, ông sẽ điện đàm cho các tàu bạn tham gia trong tổ tập trung lại, cùng nhau khai thác. “Tui tìm thấy cá sẽ điện thoại hỏi bạn, tàu mi đánh mấy nhát rồi, được nhiều không? Nếu bạn nói không được thì gọi tới đánh cùng.
Ngược lại, bạn phát hiện cũng báo cho mình như vậy thôi. Thực ra, trước đây có chuyện giấu giếm nhưng từ khi thành lập tổ đội thì phải tương trợ lẫn nhau. Nói thật với chú, với lương tâm của người làm nghề, mình được mà bạn không được thì cũng buồn. Anh em ai cũng được tuy về bán, tư thương có ép giá rẻ hơn chút nhưng mọi người có thu nhập sẽ vui vẻ hơn” - ngư dân Lê Văn Huệ thật thà nói.
Tôi chào ông ra về khi bóng chiều cuối năm vụt tắt, ông Huệ kéo tay giữ lại gửi gắm: “Tui nhận định, nguồn hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam rồi sẽ cạn kiệt nếu không có cách khai thác hiệu quả, khoa học. Mùa xuân về cũng là mùa sinh đẻ của con tôm, con cá. Tui mong, các cơ quan chức năng nên có cách kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nạn khai thác hải sản bằng mìn, kích điện. Bởi những “dụng cụ” này không chỉ hủy hoại môi sinh mà còn tận diệt cả những quả trứng khi con tôm, con cá chưa kịp bung vỏ. Về chiến lược lâu dài, tui nghĩ Nhà nước nên cấm biển vào mùa cá, tôm sinh sản”.