Năng suất tăng
Vụ cá này, ông Nguyễn Tuấn Viu ở Hải Dương thả hơn 2.000 con cá các loại gồm trắm, chép, trôi, mè... "Những năm trước, cá chết nhiều do nguồn nước bị ô nhiễm. Năm nay, tôi rút kinh nghiệm sử dụng thêm nước giếng khoan và thường xuyên xử lý nguồn nước nên không còn tình trạng cá chết. Nuôi cá truyền thống, mỗi năm chỉ được 1 vụ. Vụ này, tôi ước thu được 6 tấn", ông Viu cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hưng - một hộ nuôi cá cùng thôn cho biết năng suất cá năm nay cao hơn năm trước bởi thời tiết thuận lợi, cá lớn nhanh. Các hộ nuôi thâm canh với thức ăn công nghiệp, cộng với phòng và điều trị bệnh kịp thời nên tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất cao.
Ngoài các hộ dân nuôi cá trong ao, vài năm trở lại đây, nhiều người dân đầu tư nuôi cá lồng trên sông. Năm nay, năng suất cá lồng tăng, nhất là các loại cá truyền thống vì cá ít bị bệnh. Năng suất nuôi cá rô phi, diêu Hồng, trắm cỏ đạt khoảng 4,6 tấn/lồng, trắm đen 6,5 tấn/lồng, cá chép 5 tấn/lồng, tăng khoảng 1 - 1,5 tạ/lồng.
Ông Phạm Văn Tình, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương cho biết Hải Dương cho biết hiện toàn tỉnh hiện có 12.180 ha ao nuôi cá thịt, tăng 20 ha so với năm 2018 và gần 6.200 lồng nuôi cá trên sông, tăng 2.000 lồng, là một trong những tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Năng suất cá năm nay ước đạt 7 tấn/ha/vụ, tăng 0,5 tấn/ha so với năm trước. Nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi, các lồng bè nuôi cá không bị ảnh hưởng do bão lũ, nhiều hộ chuyển từ nuôi bán thâm canh sang nuôi thâm canh, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi nên năng suất và sản lượng tăng nhiều so với năm trước.
Giá cá giảm
Mặc dù giá thịt lợn tăng chóng mặt, giá thịt gà, thịt vịt ở mức cao nhưng giá cá vẫn khá thấp. Giá cá diêu hồng 38.000 đồng/kg, rô phi 25.000 đồng/kg, cá trắm loại to 52.000 đồng/kg, cá chép 40.000 đồng/kg, cá lăng 60.000 đồng/kg... Giá cá bình quân giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với giữa năm.
"Giá cá rẻ làm cho nhiều hộ nuôi cá lồng gặp khó khăn. Nhiều hộ nuôi cá lồng rơi vào tình cảnh bị ngân hàng thúc nợ, đại lý bán thức ăn từ chối bán chịu vì sợ người nuôi không có khả năng thanh toán", bà Mạc Thị Múc lo lắng.
Lý giải nguyên nhân giá cá giảm sâu, ông Nguyễn Tuấn Viu cho rằng vào cuối năm, giá cá thường rẻ vì nhiều hộ cùng thu hoạch để chuẩn bị nuôi vụ sau. Vụ cá này với hơn 1 mẫu ao, gia đình ông Viu ước thu được 6 tấn cá. Với giá cá như hiện nay, doanh thu đạt khoảng 80 triệu đồng, gia đình ông lãi khoảng 30 triệu đồng.
Diện tích nuôi cá lớn, số lượng lồng nuôi cá nhiều. Đây là nguyên nhân chính làm giá cá xuống thấp. Để hạn chế tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương cần xây dựng chính sách phát triển thủy sản bền vững, phát triển chăn nuôi cá có lộ trình, tính toán thị trường tiêu thụ để phát triển quy mô chăn nuôi; hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho các hộ để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, qua đó tăng thu nhập cho người nuôi.