Phần lớn diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt năng suất, hiệu quả thấp, có vùng độ mặn 30-35 phần nghìn. Với độ mặn tăng cao vượt ngưỡng cho phép khiến tôm nuôi còi cọc, chậm lớn, dễ bị sốc gây đột tử.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, dịch bệnh trên tôm nuôi tại địa bàn tỉnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Dịch bệnh không chỉ xuất hiện trên tôm nuôi công nghiệp mà có chiều hướng tăng cao ở ao, đầm nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến.
Từ đầu năm đến nay, Cà Mau có trên 3.000ha diện tích nuôi tôm bị bệnh, thiệt hại 30-70% về năng suất. Một số huyện như Đầm Dơi, Cái Nước Nước, Phú Tân có nhiều diện tích ao nuôi tôm công nghiệp bị bỏ hoang.
Các hộ nuôi tôm công nghiệp lo lắng, nếu thả tôm nuôi thời điểm này, nguy cơ tôm sẽ bị sốc, nhiễm bệnh gây thiệt hại nặng. Do vậy, các hộ dân lo lắng không dám thả nuôi vụ mới chờ khi mưa xuống, độ mặn giảm mới thả con giống xuống ao, đầm nuôi.
Thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi, dẫn đến năng suất, sản lượng tôm nuôi ở Cà Mau bị giảm mạnh. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh gặp khó do thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Theo ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định thời gian tới, độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao, tình hình dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp.
Để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, cơ quan này phối hợp chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp với tình hình nắng hạn và xâm nhập mặn.
Địa phương cũng tăng cường công tác giám sát, đo độ mặn, theo dõi ô nhiễm nguồn nước để có giải pháp xử lý kịp thời phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành chuyên môn chú trọng tuyên truyền khuyến cáo người dân tuân thủ thả tôm theo đúng lịch thời vụ, chọn đối tượng nuôi thích nghi với môi trường có độ mặn cao. Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiệt hại, nâng hiệu quả sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân nhân rộng mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là mô hình kết hợp như tôm-rừng, tôm-lúa, tôm-cua, tôm-cá để thu được lợi nhuận kép./.