Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH) cùng các đối tác chính vừa chính thức ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện “Chương trình xây dựng vùng sản xuất tôm – lúa bền vững dựa trên mục tiêu tăng trưởng”. Tổng diện tích được ký kết lên đến trên 17.700ha tại 6 xã vùng tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên.
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho rằng: “Nếu xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và phát triển thương hiệu lúa thơm - tôm sạch sẽ giúp nâng cao giá trị cho cả con tôm lẫn cây lúa, từ đó giúp mô hình ngày một hiệu quả hơn, thu nhập nông dân sẽ ngày càng cao hơn”
Tại vùng quy hoạch trên 17.700ha ở huyện Mỹ Xuyên, các đối tác tham gia chương trình chọn giống lúa ST24, ST25 để sản xuất cho mô hình lúa – tôm. Đây được gọi là lúa thơm. Khi mùa nước mặn, người dân nuôi tôm theo mô hình sinh học. Tất cả không sử dụng thuốc thú y thủy sản. Sản phẩm tôm được các công ty nói trên bao tiêu tất cả với cam kết cao hơn giá thị trường từ 30% trở lên.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho rằng, mô hình lúa thơm – tôm sạch nếu nông dân thực hiện đúng chúng ta sẽ có sản phẩm chủ lực là con tôm sạch, chất lượng ngon và giá trị cao tại châu Âu.
Đại diện chương trình IDH cho rằng, IDH luôn hỗ trợ đến người mua cuối cùng, nên để thực hiện thành công, chương trình cần tập trung mạnh cho chuỗi giá trị, gồm: Các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các bên có liên quan nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững. Riêng tổ chức IDH hiện gắn kết mạng lưới 90 công ty tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu sẽ hỗ trợ kết nối thị trường với các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị tôm - lúa ở Mỹ Xuyên. Tới đây, IDH sẽ làm việc với các nhà mua hàng quốc tế và tài trợ 30% kinh phí cho chương trình, phần còn lại sẽ do Nhà nước và tư nhân đóng góp theo hình thức hợp tác công tư.