Bước đầu, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi.
Dòng sông Pô Kô chảy cắt giữa hai huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum và huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai quanh năm đầy nước… Nhận thấy điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, ông Trần Văn Dã, thôn Ia Đờ, xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum đã phối hợp với một số hộ dân người Jrai ở xã Ia Khai, huyện Ia Grai triển khai mô hình này. Với nhiều kinh nghiệm tích lũy, ông Dã đã và đang tích cực truyền đạt kỹ thuật nuôi cá cho những hộ dân cùng tham gia, đồng thời có hướng sẽ nuôi thêm các loài cá đặc sản khác trên sông Pô Kô.
“Đặc điểm của dòng sông này là nước rất yên tĩnh, chảy nhẹ, trong lành. Một năm chỉ mưa vài tháng còn lại thời tiết rất thích hợp để nuôi cá, đặc biệt là diêu hồng, cá lăng, cá chép, rô phi. Tôi thấy bà con người dân tộc thiểu số ở đây phần lớn vẫn trông chờ vào cây điều. Hết mùa điều thì hết việc, hết thu nhập. Vì vậy, tôi ngỏ ý với lãnh đạo xã Ia Khai để được phối hợp cùng 5 hộ dân thử nghiệm nuôi cá lồng bè, tôi sẽ trực tiếp truyền dạy kỹ thuật. Từ mô hình này hy vọng bà con có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống”, ông Dã chia sẻ.
Vốn xuất thân từ tỉnh Đồng Tháp với khá nhiều kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, khi dừng chân ở bờ sông Pô Kô, ông Dã thấy đây là vùng nước giàu tiềm năng để nuôi cá lồng bè. Hơn nữa, bên kia bờ Pô Kô, gia đình ông cũng đang nuôi 22 lồng và 5 ha ao cá các loại và cho hiệu quả kinh tế cao. Cứ như vậy, cách làm nhà lồng, khâu chọn cá giống, chuẩn bị thức ăn và thời điểm thu hoạch đều được ông Dã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho những người cùng tham gia.
Sau gần 2 tháng triển khai, các đàn cá diêu hồng, rô phi phát triển ổn định. Ông Dã cho biết, so với làm nương rẫy, nuôi cá lồng bè tiết kiệm sức lao động cũng như nhân công lao động. Nuôi cá lồng chỉ cần cho ăn đúng giờ, đúng số lượng, đảm bảo không để cá bị đói, thiếu thức ăn. Ngoài ra thì vệ sinh lồng 1 lần/tuần để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá phát triển. Khoảng 4-5 tháng, khi cá đạt trọng lượng thương phẩm thì thu hoạch. Trung bình một bè cá diêu hồng 5m2 có thể thu được khoảng 10 tấn cá thương phẩm. Với giá bán sỉ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg cũng đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người nuôi.
Như gia đình anh Puih Luyét, làng Nú, xã Ia Khai, dù gia đình đang có 8 ha điều vào vụ thu hoạch, 400 cây cà phê, 1.000 cây cao su song gia đình anh vẫn quyết định tham gia chung vốn nuôi cá lồng bè với ông Dã. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh Luyét lại đến phụ giúp ông Dã cho cá ăn hay vệ sinh lồng. Anh Luyét cho biết, mô hình nuôi cá lồng bè trên sông này khá dễ, không tốn nhiều công nhưng thu nhập cao và khá ổn định. Anh cũng đã được ông Dã chỉ cho nhiều kinh nghiệm trong việc căn dòng chảy, thời điểm thả cá, thu hoạch cá, cách vệ sinh lồng, chăm sóc cá… Khi có điều kiện, anh sẽ mở rộng thêm mô hình này để có thêm thu nhập cho gia đình.
Gia đình ông Rơ Châm Pich - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khai, huyện Ia Grai, cũng là một trong 5 hộ gia đình cùng tham gia nuôi cá lồng với ông Dã.
Ông Pich hồ hởi: “Ban đầu khi mới làm tôi cũng như các gia đình khác lo lắng lắm, không biết có hiệu quả thật không. Tới bây giờ tôi yên tâm hơn rồi vì cá không bị chết nhiều mà sống khỏe, phát triển ổn định. Đây là hướng đi phát triển kinh tế dễ triển khai và khá hiệu quả, tận dụng được diện tích mặt nước trên sông Pô Kô”.
Trước thuận lợi của dòng nước Pô Kô, ông Dã cũng dự định sẽ về miền Tây để nhập thêm các loại cá đặc sản về nuôi trên cao nguyên nhằm đa dạng nguồn cá thương phẩm, nâng cao hiệu quả cho mô hình nuôi cá lồng bè trên sông này.