Mặc dù đã cuối tháng 3, theo lịch thì thời vụ thả tôm giống đã được gần 1 tháng, thế nhưng trên những đìa tôm của người dân xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa thật vắng vẻ, không một bóng người, máy quạt nước tạo khí, máy bơm nước… nằm chỏng chơ trên bờ, chưa thấy có dấu hiệu bắt đầu vụ mới.
Chỉ tay về đìa tôm rộng 0,8 ha, bờ bãi xập xệ còn nguyên từ vụ trước, anh Nguyễn Văn Ỳ, thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích buồn bã cho biết: "Mọi năm thời điểm này tôi và người dân quanh đây đã thả tôm hết rồi, còn năm nay chưa ai động tĩnh gì. Năm trước tôi nuôi tôm thẻ chân trắng, thả đâu chết đó, tôm cứ thả được khoảng 1 tháng là bị “gãy” thì làm sao chúng tôi dám thả nữa.
Tình hình này để xem thời tiết và con nước ra sao rồi mới tính chứ bây giờ nợ nần đầy ra đấy, thả tiếp nhỡ tôm chết thì có nước “đi ăn mày”. Có lẽ năm nay tôi chuyển sang nuôi tôm sú quảng canh, sau đó nuôi cua, cá chẽm, cá mú cho chắc ăn, chứ nuôi tôm thẻ khó làm quá".
Anh Ỳ nuôi tôm hơn chục năm nay, trước đây chỉ nuôi tôm sú, nhưng vài năm trở lại đây anh chuyển sang nuôi tôm chân trắng, thời kỳ đầu mỗi năm cũng lãi được trên 100 triệu đồng, nhưng hai, ba năm nay liên tiếp thất bại nặng nề. Anh Ỳ cho hay: "Tôm chết mà chúng tôi không thể hiểu nguyên nhân vì sao bởi trước khi nuôi chúng tôi đã ra sức nạo vét hồ, xử lý nước, kiểm tra độ pH, con giống cũng được lựa chọn kỹ lưỡng mua của các Cty có uy tín nhưng cứ thả được hơn tháng là chết hàng loạt…".
Cũng như anh Ỳ, anh Phạm Sa, thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, có 1,5ha đìa nuôi tôm, mọi năm thời điểm này anh đã xuống giống được 20 ngày, còn năm nay vẫn bỏ hoang cũng như chưa có kế hoạch làm vệ sinh để thả vụ mới. Anh Sa cho biết: "Năm trước tôi thả hai đợt nhưng đều dính dịch, tôm thả được 45 ngày thì bắt đầu thấy sưng gan rồi chuyển sang đỏ thân sau đó đồng loạt lăn ra chết, số tiền bị thua lỗ lên tới gần 100 triệu đồng, do vậy năm nay tôi chưa vội nuôi, để xem tình hình thế nào đã".
Anh Trần Văn Tuấn, thôn Vạn Khê, xã Ninh Ích thở dài ngao ngán: "Nhà tôi có 1 hồ nuôi tôm 0,4ha, năm trước thời điểm này đã thả con giống được 10 ngày, còn năm nay anh thấy đấy, vẫn bỏ hoang cho ốc và cá biển vào sinh sống". Theo anh Tuấn: Vụ tôm năm trước anh phải thả đi thả lại 2 lần nhưng đều thất bại, cứ nuôi được 40 ngày là tôm chết hoàng loạt, tính cả năm tổng cộng thua lỗ trên 20 triệu đồng.
Đồng tôm vẫn chưa được cải tạo nuôi vụ mới
Anh Tuấn cho biết: "Năm nay tôi sẽ không tiếp tục thả tôm chân trắng nữa mà để sang tháng 4 sẽ cải tạo lại hồ nuôi tôm sú quảng canh. Mặc dù nuôi theo phương pháp quảng canh lãi không nhiều nhưng ít rủi ro. Những năm trước đây tôi cũng nuôi tôm quảng canh thả với mật độ thưa, 1 hồ 0,4 ha chỉ thả 2 vạn con giống, khi tôm nuôi được khoảng gần 3 tháng thì bắt đầu thả cua biển.
Do nuôi mật độ thưa nên tôm rất nhanh lớn và không phải dùng bất cứ loại thuốc kháng sinh nào trong quá trình nuôi. Khi tôm đã lớn (3,5 – 4 tháng), cứ mỗi con nước tôi lại đánh bắt một ít theo hình thức tôm lớn đến đâu bắt bán đến đó. Bán hết tôm thì cua cũng lớn, chỉ khoảng 2 tháng sau lại thu hoạch cua. Bán xong cua, lại tiếp tục thả cá mú, cá chẽm để bán dịp cuối năm. Nuôi theo hình thức này mỗi năm gia đình tôi cũng thu lãi được 20 – 30 triệu đồng".
Ông Võ Đình Long, cán bộ Nông nghiệp xã Ninh Ích cho biết: "Hiện nay, diện tích nuôi tôm toàn xã là 250 ha, trong năm 2012 do dịch bệnh liên miên khiến 80% số hộ nuôi tôm bị thất bại, thua lỗ. Do bị mất vốn đầu tư nên bước vào vụ nuôi tôm năm nay tình hình thật ảm đạm, buồn hiu hắt".
Theo ông Long, lịch thời vụ bắt đầu từ 1/3, lẽ ra đến thời điểm này, diện tích tôm đã thả được khá lớn, thế mà trong xã vẫn chưa có hộ nào thả tôm và cũng chỉ mới có khoảng 25 ha hồ đang được người dân cải tạo. Tuy nhiên nhiều hộ đã cải tạo hồ xong vẫn chưa dám thả con giống mà còn nghe ngóng tình hình mới đi đến quyết định thả hay không.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa, trong năm 2012 toàn tỉnh đã có 1.700 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Năm 2013, kế hoạch toàn tỉnh thả nuôi khoảng 3.300 ha gồm tôm sú, tôm thẻ, ốc hương, tu hài, cá biển…
Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngay từ đầu vụ Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã phối hợp với các địa phương kiểm dịch con giống trước khi thả nuôi, đồng thời tập huấn hướng dẫn người nuôi lịch thời vụ, kỹ thuật cải tạo ao lồng, chọn giống… xây dựng lực lượng cộng tác viên tại các vùng trọng điểm để giám sát vùng nuôi và có thông tin kịp thời khi sự cố xảy ra…