Ở nghị định mới, Chính phủ đã có nhiều thay đổi về cơ chế cho vay, mức độ ưu đãi đối với các nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực này, cũng như khắc phục những điểm hạn chế thời gian qua. Cụ thể, Nghị định 55 đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối tượng được vay vốn nông nghiệp ưu đãi sẽ được mở rộng hơn, mức cho vay cũng được nâng lên gấp 1,5-2 lần. Đặc biệt, hạn mức cho vay tín chấp cũng được tăng mạnh. Cá nhân, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp có thể được vay 50-100 triệu đồng (đối tượng đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng), hộ nuôi trồng thủy sản được vay tín chấp tối đa 2 tỉ đồng. Riêng với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, các ngân hàng (NH) được phép cho vay tối đa 3 tỉ đồng không cần tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng khuyến khích tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao bằng việc cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến
70-80% giá trị dự án. Đặc biệt, Nghị định 55 quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích các TCTD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác. Các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Thực tế hiện nay, ngoài NH NNPTNT (Agribank) là cho vay đến tận các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa. Các NHTMCP còn lại, dù có tham gia cho vay nông nghiệp, thì cũng chỉ bám trụ ở những thành phố lớn, thị xã, thị trấn. Bởi việc hạn chế về mạng lưới, cũng như về quy mô, kinh nghiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không thể không kể đến một số NH hiện cũng đang “nhăm nhe” thâm nhập vào “mảnh đất” này. Cụ thể, sau khi “ông lớn” BIDV sáp nhập thêm NH Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) vào hệ thống, nhà băng này đã không giấu tham vọng khi đề ra chiến lược của BIDV trong thời gian tới là đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt tại vùng ĐBSCL. Ngoài ra còn phải kể thêm NHTMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) đang nổi lên là nhà băng có mạng lưới giao dịch khá rộng lớn, hiện cũng đang đẩy mạnh tín dụng cho khu vực Tam Nông.
Tính đến cuối tháng 5.2015 tín dụng lĩnh vực này ước đạt 798.000 tỉ đồng, tăng khoảng 7,17% so với 31.12.2014, chiếm khoảng 19,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Nếu so với cuối năm 2009 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đã tăng gấp 2,5 lần.
Agribank hiện là NH lớn nhất, dẫn đầu trong hệ thống NH Việt Nam về vốn, tài sản, nguồn nhân lực, mạng lưới hoạt động, số lượng khách hàng. Đến 31.12.2014, Agribank có tổng tài sản 762.869 tỉ đồng; vốn điều lệ 29.605 tỉ đồng; tổng nguồn vốn 690.191 tỉ đồng; tổng dư nợ 605.324 tỉ đồng; đội ngũ cán bộ nhân viên gần 40.000 người; gần 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, chi nhánh Campuchia; quan hệ đại lý với trên 1.000 NH tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; được hàng triệu khách hàng tin tưởng lựa chọn…