Tại hội thảo, các vấn đề về khai thác quá mức, suy giảm nguồn lợi và chất lượng nguồn lợi, thất thoát sau thu hoạch sản phẩm thủy sản khai thác, suy thoái môi trường và sức khỏe hệ sinh thái… nhu cầu cấp thiết về việc quản lý cường lực, năng lực khai thác thủy sản là những vấn đề nổi bật cần được giải quyết trong bối cảnh nghề cá quy mô nhỏ cũng như ở Việt Nam. Đại diện FAO đã thừa nhận vai trò quan trọng của nghề cá đối với an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho số lượng không nhỏ cộng đồng ngư dân khai thác ven biển. Tuy vậy, việc gia tăng quá mức cường lực khai thác đã dẫn đến vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường thủy sinh và nguồn lợi hải sản dẫn đến cần có kế hoạch hành động cho việc quản lý hoạt động khai thác của con người đối với nguồn lợi thủy sản.
Việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia (NPOA) về quản lý năng lực khai thác thủy sản được xây dựng cho Việt Nam sẽ dựa trên các nguyên tắc cơ bản, các căn cứ pháp lý (Kế hoạch hành động quốc tế - IPOA, Kế hoạch hành động Khu vực – RPOA, các cam kết, công ước liên quan…), các hướng dẫn kỹ thuật của FAO như: Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm – COC và mục đích chính là khai thác và sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, giảm thiểu tác động đối với cộng đồng khai thác hải sản ven biển nghèo, phục hồi sức khỏe hệ sinh thái biển… Để thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của các bên tham gia liên quan, đặc biệt là cán bộ quản lý ngành cấp tỉnh, khung hướng dẫn xây dựng NPOA được đưa ra và các đại biểu thực hiện thảo luận nhóm. Dự kiến bản NPOA này sẽ được xây dựng trong năm 2013, đây là hướng dẫn quan trọng và hỗ trợ kỹ thuật như một kim chỉ nam cho việc quản lý năng lực khai thác, giải pháp và định hướng giảm thiểu cường lực khai thác hải sản ven bờ. Để giải quyết vấn đề này, không có một giải pháp duy nhất áp dụng cho nghề cá cụ thể nào mà cần có sự tham gia của các Bộ ngành liên quan, trong ngành dọc từ Trung ương đến địa phương và cần làm từng bước, mang tính tiếp cận tổng hợp và đa ngành, đa lĩnh vực.
Hội thảo đã thống nhất thông qua bản Dự thảo lần thứ hai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý năng lực khai thác thủy sản NPOA-FCM. Tiếp theo sau hội thảo này, đại diện FAO, chuyên gia sẽ thăm và làm việc với một số tỉnh điểm dự án CRSD, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau để cập nhật thông tin và tìm thiểu sâu thêm về hiện trạng nghề khai thác cá biển, công tác quản lý năng lực khai thác đại diện cho các vùng miền Việt Nam làm cơ sở cho các bước tiếp theo để Tổng cục Thủy sản hoàn thiện bản Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý năng lực khai thác thủy sản (NPOA-FCM).