Tăng trưởng nóng:
Trở lại Châu Phú, Châu Đốc (thủ phủ của con cá tra hầm và ba sa nuôi bè), không khí buồn tẻ bao trùm không gian sống của những ngư dân một thời vang bóng. Vòng qua các địa phương: An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới, Long Xuyên bối cảnh cũng không khác hơn. Ông Phạm Thanh Giang, con của một đại gia nuôi cá bè ở Châu Đốc, nhớ lại :“ Ngày xưa, mỗi lần bán cá thì gia đình tôi như trúng số độc đắc. Cá được giá, ngư dân sắm xe hơi, xây nhà rất to. Làng bè nơi đây rất vui nhộn, đêm xuống làng bè như một phố nổi trên sông”. Gia đình ông Giang có truyền thống nuôi cá bè từ rất lâu đời. Bình quân mỗi năm, gia đình ông bán gần 5.000 tấn cá tra, basa, thu về một lượng tiền rất lớn.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hàng loạt ngư dân treo ao và doanh nghiệp phá sản do “cung vượt cầu”. Điều này chưa chính xác, bởi năm cao nhất thì sản lượng cá tra của vùng ĐBSCL cũng chỉ 1.200.000 tấn/năm (năm 2012), nếu so với nhu cầu thực phẩm của thế giới, sản lượng này còn phát triển nhiều hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu. Nguyên nhân ở đây có thể đề cập đến tình trạng tự phát trong nuôi và chế biến xuất khẩu, mà công tác quản lý lại chưa tốt. Chỉ tính riêng ĐBSCL đã có 136 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, trong đó 64 công ty chế biến và 72 công ty thương mại. Có một thời, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã sử dụng quá nhiều “chiêu thức” để qua mặt khách hàng. Đó là việc quay tăng trọng, mạ băng (tỉ lệ mạ băng có lúc lên đến 35%), trộn hàng loại 2 vào loại 1 để giao. Một hình thức khác làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và thương hiệu của cá tra Việt Nam là tình trạng phá giá lẫn nhau giữa các doanh nghiệp ở những kỳ Hội chợ Quốc tế ngành Thủy sản như tại Brussels (Bỉ), Boston (Mỹ) hoặc Vietfish (VN). Giá bán thấp, trong khi sản lượng tăng “bất thường” ở một thị trường như Mỹ đã dẫn đến vụ kiện chống bán phá giá.
Năm 1996, Công ty Agifish xuất khẩu cá basa vào Mỹ. Năm 1998, Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương(APEC), sản lượng cá tra, basa vào thị trường Mỹ lúc đó cũng chỉ khoảng 260 tấn/năm. Đến năm 2000 tăng vọt lên 3.000 tấn; 2001 là 8.000 tấn và 2002 đạt gần 20.000 tấn. Tình trạng sản lượng tăng “đột biến” đã dẫn đến tháng 6-2001, Chủ tịch CFA phải gửi thư yêu cầu đến Tổng thống Bush, đề nghị Chính phủ Mỹ đàm phán với Việt Nam một hiệp định riêng về vấn đề catfish, đồng thời không cho cá tra, basa Việt Nam mang tên Catfish. Một nghiên cứu mới đây của TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho biết: “Chỉ trong 8 năm từ 2000 – 2008, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 460 lần, sản lượng tăng 830 lần”. Bùng phát về sản lượng đã làm cho giá của tất cả các sản phẩm đầu vào tăng, trong khi giá xuất khẩu giảm.
Từ cạnh tranh về giá và một số doanh nghiệp không bảo đảm chất lượng sản phẩm đã làm cho giá trị kinh tế của sản phẩm cá tra bị đảo lộn. Cụ thể, trong hơn 10 năm qua, giá xuất khẩu bình quân liên tục giảm. Giá xuất khẩu trung bình của một ký cá ở năm 2010 chỉ còn 70% so năm 2003 và 60% so năm 2000. Xuất khẩu giá thấp để lấy thị phần, doanh nghiệp trở lại chèn ép giá đối với ngư dân. Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Hữu Nguyên, một hộ nuôi cá ở huyện Châu Phú cho biết: “Trước đây nuôi 1kg cá tra, lãi từ 2.000 – 4.000đ, nay lỗ từ 2.000 – 4.000đ”.
Cần sự đồng thuận:
Xuất khẩu cá tra là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Vì ngành này đã tạo cho hơn 500.000 lao động trong nước có công ăn việc làm ổn định, trên 5.000 nông hộ ở ĐBSCL giàu lên một cách nhanh chóng. 6 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang xuất được 87 ngàn tấn, kim ngạch đạt 218 triệu USD. Nếu so sánh với mặt hàng gạo thì giá trị của mặt hàng cá tra cao hơn gần 10 lần. Đây chính là điều Nhà nước cần nhanh chóng quy hoạch lại ngành sản xuất cá tra, trong bối cảnh xuất khẩu gạo cũng đang gặp khó khăn. “Nhà nước cần quy hoạch lại đầu mối xuất khẩu, đầu mối nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn để từng khâu trong chuỗi sản xuất đạt lợi nhuận hợp lý hơn, đồng thời cũng phải tạo sự đồng thuận cao trong các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu”, ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại thủy sản AFA kiến nghị.
Để cá tra trở thành một trong những sản phẩm chiến lược của tỉnh An Giang, các cơ quan chức năng cần xem xét lại mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi, cần có sự đồng thuận trong chính cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu; giữa doanh nghiệp với người nuôi, qua đó tránh tình trạng phá giá lẫn nhau, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm trong nuôi và chế biến để có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và một số nước khác trong thời gian tới. Nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) để tránh tình trạng sản phẩm không đạt chất lượng nhưng doanh nghiệp vẫn xuất hàng.
Đã đến lúc cần đặt vấn đề xuất khẩu cá tra như là một sản phẩm đặc thù và có điều kiện nhằm phát huy năng lực sản xuất hàng hóa có trách nhiệm, khôi phục niềm tin của khách hàng và trả lại giá trị thực cho con cá tra Việt Nam. Ngoài những vấn đề trên, cơ quan chức năng cũng cần tính đến việc quy định giá sàn cá nguyên liệu và giá sàn cá tra thành phẩm, nhằm bảo vệ người nuôi, tránh tình trạng giảm giá bán để cạnh tranh trong xuất khẩu cá tra như lâu nay. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ủng hộ ngư dân Việt, bởi thực tế trong 2 năm trở lại đây, tại các chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh hay chợ Mỹ Bình (Long Xuyên); chợ Châu Đốc (thị xã Châu Đốc)… sản lượng tiêu thụ cá tra ở các chợ này ngày càng tăng cao, số người tìm mua cá tra về chế biến thức ăn ngày càng nhiều. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.