Sự phát triển ngược trong chuỗi
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, quy trình sản xuất khép kín cá tra được gọi là “sự phát triển ngược trong chuỗi”. Bởi thay vì phát triển hội nhập dọc theo chuỗi để tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng hệ thống phân phối và thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, ngành cá tra lại hội nhập ngược trở lại, đó là quá trình sắp xếp, tổ chức lại con giống, hình thành vùng nuôi, nhà máy sản xuất… Sự phát triển ngược đó sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất lượng thức ăn, ổn định giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất ra thị trường, đáp ứng “luật chơi” khó khăn của một số nước trên thế giới.
Có thể nói, nhiều năm qua, vai trò của các bên trong chuỗi ngành hàng cá tra đã được phân định rõ, trong đó nông dân là người nuôi cá tra, cung cấp nguyên liệu, còn doanh nghiệp đảm nhận khâu chế biến và tìm thị thường xuất khẩu. Song, do người nông dân còn nhiều yếu kém trong kỹ thuật nuôi, khâu quản lý, sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan dẫn đến dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt lớn… nên hiện nay, các doanh nghiệp đua nhau liên kết với nông dân để hình thành vùng nuôi cá, nhằm chủ động nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng và lợi nhuận cho con cá tra.
Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, tại khu vực ĐBSCL hiện đã có nhiều vùng nuôi của doanh nghiệp. Đồng Tháp có 1.939ha nuôi cá tra; trong đó, vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm hơn 66%. Tại Tiền Giang, tổng diện tích nuôi cá tra hơn 122ha; trong đó, 57,9ha là vùng nuôi của doanh nghiệp. Riêng tại An Giang, diện tích nuôi cá tra cả tỉnh từ 820-830ha; trong đó, vùng nuôi của doanh nghiệp trên 600ha, chiếm hơn 70%, ước sản lượng đạt 200.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng theo Global GAP, ASC... là 370ha, chiếm 54% trên tổng diện tích vùng nuôi của doanh nghiệp và chiếm 44,32% tổng diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh.
Những con số này cho thấy việc các doanh nghiệp liên kết cùng nông dân hình thành vùng nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL đang được lan rộng bởi tính thiết thực và cấp bách trong giai đoạn ngành cá tra đang gặp khó khăn.
Tầm nhìn xa làm nên chất lượng
I.D.I được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có tầm nhìn xa, chủ động trước những khó khăn của ngành cá tra đang diễn ra. Trong những năm gần đây, khi con cá tra Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đạo luật Farm Bill 2014, nhiều doanh nghiệp mới thực hiện chuỗi quy trình sản xuất khép kín: Nâng cao chất lượng con giống, hình thành vùng nuôi cá... Để tung ra thị trường những sản phẩm tốt hơn, vùng nuôi cá tra của Công ty I.D.I đã được hình thành khá sớm từ năm 2008.
Hiện nay, diện tích tự nuôi cá và nuôi liên kết của công ty đã đạt gần 150ha và dự kiến sẽ mở rộng vùng nuôi đến năm 2017, với diện tích vùng nuôi đạt khoảng 160ha, đạt các tiêu chuẩn Global GAP, ASC, BAP. Với việc hình thành vùng nuôi liên kết quy mô lớn như thế, I.D.I hoàn toàn chủ động trong việc cung ứng đến gần 80% nguyên liệu so với nhu cầu cho nhà máy đông lạnh, tạo ra những thành phẩm có chất lượng mang tính cạnh tranh.
Ngoài ra, công ty cũng đang thực hiện việc nuôi cá diêu hồng để bổ sung thêm sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm của công ty để xuất khẩu. Tin vui là công ty đã được UBND tỉnh Đồng Tháp giao diện tích mặt nước của khu Cồn Quạ nằm trên sông Hậu. Công ty đã thực hiện việc nuôi cá diêu hồng với tổng số 100 vèo. Với 100 vèo này công ty sẽ nuôi thí điểm để rút ra quy trình áp dụng chung cho việc nuôi cá diêu hồng, sau đó sẽ phát triển đại trà cho cả vùng nuôi của công ty.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong quá trình nuôi, mỗi vùng nuôi cần có chính sách đi kèm là hỗ trợ người nông dân gắn bó lâu dài, đồng hành cùng công ty trên tinh thần hợp tác cả hai cùng có lợi, bố trí người quản lý, ghi chép cấp phát thức ăn, theo dõi sử dụng thuốc.
Nâng cao chất lượng con giống, hình thành và mở rộng vùng nuôi là những bước đầu trong chuỗi sản xuất khép kín Công ty I.D.I đang áp dụng để từng bước tự mình “gỡ rối” trước những khó khăn của ngành cá tra Việt Nam.
Có con giống tốt, có vùng nuôi đạt chuẩn Global GAP, ASC, BAP, bước tiếp theo I.D.I thực hiện để có được chiếc chìa khóa tháo gỡ trước khó khăn của ngành cá tra, chính là việc xây dựng nhà máy chế biến và thức ăn thủy sản theo đúng lời ông Lê Văn Chung, Tổng Giám đốc Công ty I.D.I chia sẻ: “Những rào cản vừa qua đã làm cho con cá tra gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên với tầm nhìn và kinh nghiệm trong ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, I.D.I đang đặt ra những mục tiêu phát triển bền vững cho ngành. Chuỗi quy trình khép kín là một bước đi đúng đắn giúp gỡ rối cho con cá tra, một tín hiệu tích cực cho I.D.I và cho toàn ngành thủy sản Việt Nam”.