Năm 2013, anh Nguyễn Kính cùng anh Phạm Quốc Hưng (xã Diên An, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) chung tay làm mô hình nuôi cá lóc lót bạt, xây dựng hệ thống với 5 ô bạt, trong đó 4 ô thả cá lóc và ô còn lại thả cá trê. Để có nguồn giống tốt các anh vào miền Tây mua 800 con giống cá trê, 1.200 cá lóc giống với tổng số tiền khoảng 5 triệu đồng. Đồng thời nhờ hộ bán giống tư vấn cách làm ô, cho ăn cũng như kỹ thuật chăm sóc cá.
Sau 6 tháng vừa nuôi, vừa gây giống đến nay các anh đã có tổng đàn 4.000 con cá lóc các loại. Theo kinh nghiệm của các anh, phải khoan giếng lấy nước ngọt sạch, không bị ô nhiễm để nuôi, phía dưới lót một lớp bạt, xung quanh dựng bao cát tạo nên một bờ vững chắc để cá trú ẩn, phía trên bao dùng lưới giăng lại để chúng khỏi thoát ra ngoài.
Mỗi ô thiết kế diện tích 20 m2, chia làm các loại dùng thả cá lớn nhỏ, khi thấy con nào sinh trưởng nhanh bắt riêng để tiện chăm sóc. Ngày cho ăn 2 lần, buổi sáng từ 9 - 10 giờ, chiều 15 giờ, một tuần thay nước từ 2 - 3 lần, mặt nước trong ô đảm bảo 10 - 15 cm.
Đánh giá mô hình anh Kính nói: Cá mau lớn, sinh sản nhanh, dễ ăn, ít dịch bệnh, chăm sóc không tốn công nhiều, đặc tính cá vận động nhiều, làm bạt giảm được chi phí hơn so với làm bằng bể xi măng. Nuôi bể xi măng cá thường va chạm làm cho lớp da bị trầy xước. Làm một ô bạt diện tích 20 m2 khoảng 2 triệu đồng, nếu làm bể xi măng chi phí gấp đôi. Nhẩm tính trừ chi phí thu về lãi hàng chục triệu đồng cho vụ cá này.