Dù cải tạo và quản lý ao nuôi đúng quy trình nhưng thiệt hại tôm nuôi vẫn xảy ra.
Bước vào vụ nuôi tôm 2012, một kịch bản phòng chống hội chứng gan tụy trên tôm được hầu hết các tỉnh trong khu vực ĐBSCL dựng nên ngay từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, chọn con giống... Tuy nhiên, với những gì đã và đang xảy ra từ đầu vụ nuôi đến nay cho thấy, tình hình thiệt hại đang đi theo chiều hướng khác xa so với kịch bản đề ra. Anh Trần Văn Khúc, ở Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Năm nay, phần lớn bà con ở đây đều cải tạo ao rất tốt để diệt mầm bệnh gan tụy, nhưng tôm nuôi vẫn cứ bị bệnh và chết. Chỉ có điều khác là lần này tôm chết chủ yếu là do bệnh đốm trắng đầu vàng, chứ không phải gan tụy”. Anh Nguyễn Văn Lâm, ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, lo lắng: “Không thể hiểu được?! Dù đã làm rất kỹ từ khâu cải tạo ao nuôi đến xử lý nước, chọn con giống nhưng thả xuống là tôm cứ chết”. Tại vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên lại có khó khăn khác, như anh Nguyễn Văn Công, ở xã Ngọc Đông, than thở: “Không hiểu lý do gì, sau khi cải tạo ao theo đúng quy trình khuyến cáo mà nhiều ao vẫn không thể gây tảo được?! Kiểu này thả giống xuống chỉ có nước chết thôi”.
Tại huyện Trần Đề, nơi tập trung nhiều trang trại nuôi tôm quy mô lớn theo quy trình hiện đại cũng chịu chung cảnh thiệt hại. Chỉ riêng tuần qua, trong tổng số 728 ha tôm nuôi bị thiệt hại trong toàn tỉnh, huyện Trần Đề chiếm gần 300 ha. Thậm chí, có những mô hình do các nhà khoa học chuyên ngành đến từ các Viện, Trường triển khai thực hiện cũng không tránh khỏi thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho biết: “Năm nay, tiến độ thả nuôi tôm rất chậm, khâu cải tạo ao nuôi làm rất kỹ, nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Chỉ có điều, nguyên nhân do bệnh đốm trắng chiếm tỷ lệ cao hơn so với hội chứng gan tụy”. Cũng tại vùng này, có đại gia đã thiệt hại đến 110 ao (khoảng 50 ha), mất đứt trên 10 tỉ đồng.
Theo Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, diện tích thả nuôi toàn tỉnh đến ngày 14-5 chỉ mới trên 17.000 ha, nhưng đã có gần 4.000 ha bị thiệt hại. Các kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y Sóc Trăng cho thấy, tỷ lệ thiệt hại do bệnh đốm trắng, đầu vàng chiếm trên 50%, còn lại là do “hội chứng chết sớm” và các nguyên nhân khác. Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng, nhận định: “Hiện tượng tôm chết do bệnh đốm trắng, đầu vàng nhiều trong thời gian qua, chủ yếu do thời tiết bất thường với biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao, cộng thêm tình hình môi trường bị ô nhiễm chưa được khắc phục triệt để”. Tuy nhiên, cũng còn một nguyên nhân khác làm gia tăng bệnh đốm trắng là do năm nay, người nuôi tôm không sử dụng hóa chất để diệt giáp xác theo khuyến cáo nhằm hạn chế bệnh gan tụy, nên việc xử lý nước chưa được triệt để.
Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, kết quả kiểm tra nguồn nước trên hệ thống kênh rạch vùng trồng lúa của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, hầu hết đều có hàm lượng Cypermethrin cao so với ngưỡng cho phép; trong khi đây lại là một trong những nguyên nhân chính gây hội chứng gan tụy trên tôm. Điều này là hết sức nguy hiểm cho vụ tôm năm nay, khi hoạt chất này hiện diện trong khoảng 80 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đang được phép lưu hành. Ông Nguyễn Văn Khởi cho biết thêm: “Không chỉ có nguồn nước bị ô nhiễm, phần lớn nền đáy ao nuôi tôm cũng đang có vấn đề về ô nhiễm hóa chất có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khởi cho rằng: “Với tiến độ thả nuôi chậm như vừa qua, cùng với mùa mưa đến sớm trên diện rộng thì cơ hội còn lại của vụ nuôi tôm năm nay vẫn rất khả quan. Vấn đề hiện nay cần làm là kiểm soát tốt dịch bệnh không để lây lan và người nuôi tôm phải có đủ vốn để đầu tư cho vụ nuôi”.
Sự bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi từ năm 2011 kéo dài đến tận vụ nuôi 2012, gần như bịt kín mọi con đường đến với nguồn vốn của người nuôi tôm. Anh Nguyễn Văn Công, Chủ nhiệm Hợp tác xã tôm - lúa Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) than: “Năm ngoái đã thiệt hại, đến đầu vụ này tôm lại tiếp tục chết nên cả ngân hàng, doanh nghiệp chế biến và đại lý đều rút lui, không ai dám đầu tư hết. Trong khi đó, hầu hết các dịch vụ, vật tư đầu vào như: cải tạo ao, con giống, thức ăn... đều tăng cao, nên đến giờ vẫn còn nhiều hộ chưa có tiền để thả giống”. Không chỉ có hộ nuôi nhỏ lẻ, ngay cả các đại gia trong nghề nuôi tôm ở Sóc Trăng cũng đang chật vật trong việc xoay xở tìm vốn. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, nhìn nhận: “Do vụ nuôi 2011 thiệt hại nặng, nên dù ít hay nhiều, các thành viên Hiệp hội đều gặp khó về nguồn vốn. Khó khăn về vốn, cùng với những diễn biến bất lợi từ đầu vụ nuôi đến nay, làm cho tiến độ thả giống chậm đi rất nhiều”.
Trong khi người nuôi tôm và doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn về vốn, dịch bệnh và thiếu hụt nguyên liệu, thì giá tôm trên thị trường thế giới lại sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết: Do hầu hết các nước nuôi tôm lớn đều trúng mùa với sản lượng rất cao. Tại một số nước như: Thái Lan, Indonesia và một số nước khu vực Trung Mỹ như Ecuado đang vào vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao. Và cuối tháng 5 tới đây, Ấn Độ cũng cho thấy sẽ có một vụ tôm bội thu không thua gì các nước trên. Đây chính là lý do khiến giá tôm trong nước giảm dù sản lượng thiếu hụt. Ông Hồ Quốc Lực cho biết thêm: “Giá tôm thế giới thời gian qua đã giảm đến 30%, nên giá tôm trong nước không thể tăng cao được. Tuy nhiên, nếu so với giá tôm nguyên liệu của các nước trong khu vực thì giá tôm nguyên liệu tại thị trường Việt Nam vẫn còn cao hơn khá nhiều. Nếu cộng thêm tất cả các khoản phí và lãi suất ngân hàng thì con tôm Việt Nam rất khó cạnh tranh với các nước”.