Tại buổi họp về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 17-9, đại diện Tổng cục Thủy sản cho hay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản, Vasep đã kiến nghị 2 giải pháp. Trong đó có một giải pháp yêu cầu quy định hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản ở dưới mức 0,5 ppm thay cho mức 150 ppm như hiện nay.
Để sản phẩm tôm thành phẩm có hàm lượng Ethoxyquin không vượt ngưỡng 0,01 ppm, Vasep đã nêu ví dụ về quy trình nuôi tôm không nhiễm Ethoxyquin tại Bến Tre. Tức là, trong giai đoạn đầu, người nuôi cho tôm ăn thức ăn bình thường. Trước khi thu hoạch 5 ngày sẽ ngừng cho ăn 1 ngày hoặc 1 buổi, sau đó quay sang nuôi 4 ngày tiếp theo bằng thức ăn không chứa Ethoxyquin và kết quả kiểm tra trên thành phẩm không phát hiện ra Ethoxyquin.
Điều này trùng hợp với trường hợp ở Cần Thơ đã kiểm tra đối với một số lô được sử dụng bởi thức ăn có hàm lượng dưới 0,5 ppm cũng không phát hiện ra Ethoxyquin.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho hay cần có văn bản quy định các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản nên sản xuất thức ăn phân theo giai đoạn (10 ngày 1 giai đoạn) và đặc biệt giai đoạn cuối cùng trước khi thu hoạch nên sản xuất một loại thức ăn có hàm lượng Ehoxyquin thật sự thấp, có thể là dưới 43ppm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, chỉ nên có văn bản hướng dẫn Sở NN&PTNT các địa phương khuyến cáo bà con về quy trình nuôi và những loại thức ăn thủy sản phù hợp để khi thu hoạch sản phẩm không chứa Ethoxyquin chứ không nên cấm đoán các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản.
Nhật Bản và các nước khác đều cho phép hàm lượng Ethoxyquin ở mức 100-150ppm thì không có lý gì Việt Nam lại quy định Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản dưới 0,5ppm, Bộ trưởng Phát cho hay.