Cá mú (Epinephelus coioides) là một trong những loài cá biển có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, chúng được nuôi phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Ở Việt Nam, chúng đang được nuôi chủ yếu ở các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu… Chỉ có một số ít mô hình nuôi cá trong ao đất, còn lại đa số đều nuôi trong lồng bè.
Hiện nay ở nước ta nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cá mú tương đối cao, vì vậy cá mú trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức. Do đó, việc ương nuôi ngày càng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình nuôi nhanh về số lượng đã dẫn đến tình hình dịch bệnh gây chết cá hàng loạt cũng đã được ghi nhận ngày càng nhiều với tỉ lệ hao hụt cao.
Bệnh thường gặp ở các loài cá biển là bệnh do ký sinh trùng, virus và vi khuẩn. Trong đó bệnh tụ huyết trùng ở cá do vi khuẩn thì Photobacterium sp. là một tác nhân nguy hiểm, gây tỷ lệ chết khoảng 80% ở cá nuôi. Vi khuẩn P. damselae có thể tấn công và gây bệnh trên cá biển nuôi ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá, từ giai đoạn ấu trùng, cá giống đến cá nuôi thương phẩm. Khi bị bệnh, cá có thể biểu hiện ở dạng mạn tính và cấp tính, biểu hiện bệnh tụ huyết trùng như: gây loét trên da, xuất hiện các nốt kem trắng hoặc u hạt tubercules màu trắng ở một số cơ quan nội tạng, gây hoại tử trong nội tạng, tập trung ở thận và lách, gây nhiễm trùng và hoại tử rộng rãi (Evelyn, 1996, Romalde, 2002; Bames và các cộng sự, 2005). Cá bệnh có thể chết sau 5-10 ngày gây thiệt hại kinh tế ở các nước như: Nhật, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Việt Nam, bệnh phân bố ở hầu hết các vùng nuôi trên cả nước.
Hiện nay, người nuôi cá biển chủ yếu sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh. Để giảm thiểu sử dụng kháng sinh, việc nghiên cứu sử dụng những sản phẩm kích thích miễn dịch là rất cần thiết. Natri alginate là muối natri của alginic acid được chiết xuất từ thành tế bào của tảo biển đặc biệt là tảo nâu.
Nhiều nghiên cứu bổ sung alginic acid vào khẩu phần ăn đã đem lại kết quả cao, điển hình là bổ sung vào khẩu phần ăn của cá rô phi con (Oreochromis niloticus) đã cho thấy khả cải thiện sức khỏe và đường ruột cá, đồng thời bổ sung alginic acid trên cá hồi con cũng cho thấy sự tăng trưởng và tăng cường đáp ứng miễn dịch bẩm sinh. Với liều 4g alginic acid/kg thức ăn bổ sung cho cá tầm con cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả miễn dịch trên cá. Ngoài ra, Natri alginate chiết xuất từ tảo nâu đã kích thích tăng cường hệ thống phòng thủ không đặc hiệu cá chép chống lại Edwardsiella tarda (Fujiki, Matsuyama, & Yano, 1994).
Nghiên cứu ứng dụng natri alginate trên cá mú
Cá mú cho ăn chế độ ăn có chứa natri alginate ở mức 0 (đối chứng, được đặt tên C) và 1,0 g/kg (được đặt tên là S) ở nhiệt độ 28°C (hai nhóm có tên C-28 và S-28) và 20°C (hai nhóm được đặt tên là C-20 và S-20) trong 12 ngày và sau đó được thách thức với vi khuẩn Photobacterium damselae.
Kết quả
Sau khi kết thúc thí nghiệm, nghiệm thức bổ sung alginate natri S-28 cho thấy hoạt động lysozyme, hoạt động thực bào, superoxide effutase và hoạt động hô hấp tăng cao hơn so với nghiệm thức C-28 và S-20 và đạt giá trị thấp nhất là nhóm C-20.
Các nghiệm thức bổ sung alginate natri cho thấy các chỉ số căng thẳng, nồng độ cortisol, glucose và glucose trong huyết thanh thấp hơn đáng kể so với nghiệm thức không bổ sung, nghiệm thức bổ sung alginate natri S28 có chỉ số stress thấp hơn so với nhóm C28 và đạt giá trị stress cao nhất ở nhóm C20.
Cá mú nuôi ở nhiệt độ 28°C dễ bị nhiễm Photobacterium damselae hơn ở nghiệm thức nuôi 20°C. Cá sau khi thách thức với vi khuẩn P. damselae cho thấy tỉ lệ sống của nhóm S20 đạt giá trị cao nhất 100% sau 144 giờ, trong khi đó các nhóm C-20 và S-28 đạt giá trị 70,0% và 56,7% và thấp nhất là nghiệm thức C-28 đạt tỉ lệ sống 30,0%.
Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng việc sử dụng natri alginate trong chế độ ăn uống đã điều chỉnh giảm các chỉ số stress, tăng cường khả năng miễn dịch kháng lại mầm bệnh do vi khuẩn Photobacterium damselae gây ra.
Qua nghiên cứu thấy được nên bổ sung natri alginate vào khẩu phần ăn của cá mú nuôi ở nhiệt độ 28°C để hạn chế mẫn cảm với vi khuẩn Photobacterium damselae. Kết quả nghiên cứu làm cơ sở khoa học cho các nghiên cứu sâu hơn nhằm góp phần quản lý dịch bệnh tốt hơn trong nghề nuôi cá mú lồng/bè ở các tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo Pai-Po Lee, Yu-Hung Lin, Min-Chieh Chen, Winton Cheng