Gia đình ông Nguyễn Văn Sáu có hơn 1,1 ha đất canh tác tại ấp Quý Trinh, xã Nhị Quý, thị xã Lai Cậy. Trước đây, ấp Quý Trinh là địa bàn thuần nông. Nông dân địa phương chủ yếu trồng lúa độc canh mỗi năm 2, 3 vụ. Trồng lúa thu nhập bấp bênh nên đời sống của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy, việc trồng lúa không thể cho lãi cao, ông Sáu quyết định tìm một hướng đi mới.
Năm 1980, nhu cầu về giống lúa tốt phục vụ chương trình thâm canh, tăng vụ tại tỉnh Tiền Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất lớn. Nhận thấy điều này, ông Sáu chuyển diện tích canh tác từ trồng lúa thường sang hợp đồng với ngành nông nghiệp tổ chức nhân giống lúa xác nhận. Mỗi kg lúa giống được ngành chức năng thu mua tương đương 1,3 kg lúa thường, do đó sau vài năm làm giống lúa xác nhận, kinh tế gia đình ông đã được cải thiện.
Ông cũng vận động người dân xung quanh cùng chuyển đổi từ trồng lúa thường sang nhân giống lúa xác nhận. Từ đó, hình thành Tổ hợp tác nhân giống lúa xác nhận ấp Quý Trinh với diện tích lúc cao điểm lên đến khoảng 50 ha. Trung bình, mỗi năm, Tổ hợp tác cung ứng hàng ngàn tấn giống lúa mới chất lượng cao. Các giống lúa được nhân và cung ứng đó là: IR 2307, IR 36, Long Định dòng 2… nổi tiếng về tính kháng rầy, kháng sâu bệnh đã làm nên thương hiệu cho vùng lúa giống Quý Trinh.
Từ năm 2000 trở lại đây, ông Nguyễn Văn Sáu tiếp tục đi tiên phong lập vườn quả và sản xuất cá bột trên ruộng lúa. Cụ thể, ông chuyển 7 công đất (0,7 ha) sang lập vườn trồng chuyên canh dừa, phần còn lại khoảng 4 công đất (0,4 ha) ông cải tạo để ương dưỡng cá giống, chủ yếu là giống cá điêu hồng, giống cá rô phi dòng gifl.
Về cây dừa, theo ông Sáu, rất dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Với 7 công đất, ông trồng được trên 150 gốc dừa. Hiện nay, 50% trong tổng số dừa hiện trồng đã cho thu hoạch với mức trung bình mỗi tháng từ 6 - 8 triệu đồng tiền bán quả dừa. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ 70 - 90 triệu đồng nguồn lợi từ cây dừa.
Đối với 4 công đất ruộng còn lại, ông làm bờ bao chắc chắn, xử lý nền đáy ruộng trước rồi bơm nước vào với độ sâu thích hợp. Sau đó, ông thả cá điêu hồng, cá rô phi dòng gifl bố mẹ. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, ao được làm kỹ lưỡng, 13 ngày sau khi thả cá bố mẹ, cá bắt đầu đẻ. Mỗi ngày, ông ra canh ao để vớt cá bột bán cho thương lái ương dưỡng tiếp thành cá giống cung ứng cho những hộ nuôi cá bè, nuôi cá thịt theo qui trình thâm canh hoặc bán thâm canh trong và ngoài tỉnh…
Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất cá bột, ông Nguyễn Văn Sáu cho biết, mùa cá đẻ rộ từ tháng 5 âm lịch kéo dài đến cuối năm. Mỗi công đất (1.000 m2), gia đình ông thu được khoảng 5 triệu con cá bột. Tùy nhu cầu thị trường tại thời điểm mà giá cá bột cũng dao động lên xuống. Lúc cao điểm, ông bán được 150.000 đồng/vạn con nhưng có lúc thấp điểm chỉ bán được chừng 25.000 đồng/vạn con.
Như vậy, tính ra nuôi cá giống trên ruộng mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn trồng lúa độc canh trước đây. Ông Sáu ước tính, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ mô hình vườn dừa và sản xuất cá bột.
Ông Nguyễn Tấn Triều, Hội Nông dân xã Nhị Quý cho biết: Ông Sáu là điển hình trong phong trào chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Chỉ riêng tại ấp Quý Trinh đã có hàng trăm ha đất áp dụng mô hình sản xuất cá giống trên ruộng lúa. Đa phần bà con đều thành công, có cuộc sống ngày càng khấm khá.
Ngoài ra, ông Sáu cũng thường xuyên ủng hộ tiền để làm đường, làm kênh mương phục vụ tưới tiêu, tạo diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, hiện đại; đồng thời giúp đỡ các hộ dân nghèo khó, cơ nhỡ cùng phấn đấu vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống. Trong năm vừa qua, ông đã giúp đỡ hơn 40 hộ nghèo trong xã vui Tết Nguyên đán với số tiền gần 10 triệu đồng.
Với thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo, ông Nguyễn Văn Sáu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.