Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cái nguyên nhân mà “ai cũng biết” và lớn nhất, là do sông Mekong đã bị chặn lại thành 20 khúc bằng 19 con đập bê tông khổng lồ để làm thủy điện và trữ nước ở thượng nguồn, khiến lượng nước chảy về đến hạ nguồn Việt Nam đã giảm hẳn (theo nghiên cứu, tám đập thủy điện chắn ngang sông Mekong trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỷ m3 nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu... Gần đây, lại xuất hiện thêm đập Xayaburi (Lào) làm thủy điện, cũng ngăn lại chừng 12 tỷ m3 mỗi năm).
Những công trình thủy điện “vĩ đại” trên dòng Mekong
Người nông dân khổ nhiều rồi, họ chau mày vì nắng gắt cũng nhiều rồi, mà ông trời thì vẫn thêm phần khắc nghiệt. Nhưng không lẽ cứ u sầu, lo nghĩ, không lẽ cứ chau mày hoài như vậy? Ngành nghề nào, hay nhóm lao động nào thì khó biết, nhưng riêng với người nông dân thì tin chắc rằng, họ vẫn luôn lạc quan vào vuông tôm, ao cá, luôn lạc quan vào mảnh ruộng, miếng vườn dẫu rằng đất đang nứt nẻ vì thiếu nước ngọt, thừa nước mặn. Không phải vô căn cứ để tin như vậy, mà thực tế đã chứng minh rằng, trải qua bao cuộc chiến tranh, bao lần thiên tai, dịch bệnh, thậm chí còn khắc nghiệt hơn đợt hạn mặn năm nay, thì nền nông nghiệp nước nhà vẫn hồi sinh mạnh mẽ và vươn xa hơn trước. Trong gian khó, họ vẫn lạc quan, với một niềm tin hồi sinh sau biến cố!
Thời gian dài vừa qua, là dịp để nhìn lại chặng đường canh tác nông nghiệp trước đây chưa thật sự bền vững. Người nông dân vẫn duy trì nếp canh tác nông nghiệp tận dụng kiệt quệ tài nguyên, chỉ chú tâm đến năng suất mà bỏ quên chất lượng. Nền nông nghiệp vẫn chưa thích ứng với những biến đổi của môi trường. Hạn mặn qua đi, người nông dân sẽ dồn toàn tâm và sức lực vào đợt canh tác mới bền vững hơn, thích ứng hơn và thịnh vượng hơn.
Hạn mặn kéo dài thấu tình người. Bà con nông dân đùm bọc nhau trong giai đoạn thiếu nước ngọt đỉnh điểm, nhiều tấm lòng mang nước mát đến đồng bằng san sẻ phần nào khó nhọc. Các cơ quan nhà nước, đoàn thể sâu sát, kịp thời chỉ đạo phòng chống hạn mặn, điều tiết tưới tiêu, làm hết khả năng để giúp người nông dân vượt qua giai đoạn thách thức này.
Trời có thể nắng nóng hơn, mưa có thể về trễ hơn, và nông nghiệp có thể sẽ khó khăn khi phục hồi, nhưng chưa khi nào người nông dân thôi phần lạc quan trong cuộc sống. Bởi những đắng cay của nghề nông nghiệp họ đã trải đủ bề, thì nề chi mấy “ngày nắng hạn”. Tính cách của người nông dân Nam bộ là vậy, “giờ có lo nghĩ cũng chẳng bổ béo được gì, nước mặn thì nấu ăn đỡ thêm muối”, còn mà hạn mặn cứ kéo dài thì “năm sau đổi nghề làm muối cho khá hơn”. “Ngày xưa thì quê tui có 2 mùa, mưa nắng, còn giờ cũng có 2 mùa, mùa nắng với mùa hạn” – lời người nông dân nói đùa, khi giọt mồ hôi vừa rơi trên nền đất nóng của vụ mùa qua. Họ hay đùa với nhau bằng những điều tích cực như vậy, bởi họ chọn cách sống lạc quan để cùng nhau vượt qua mùa hạn mặn.
Hoặc không chịu ngồi bó gói trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, thì nhiều nhà nông đã mạnh dạn cải tiến mô hình tới tiêu, thay đổi đối tượng nuôi trồng phù hợp. Họ lạc quan để thích nghi tốt hơn, và sẵn sàng thay đổi để “thuận thiên”. Đó cũng là cách nhìn mà nhiều nhà khoa học và những nhà nông tiến bộ đang muốn hướng đến, tương lai phải xây dựng được một tập hợp những nhà nông tiến bộ cùng canh tác nông nghiệp tiến bộ, trong một xã hội tiến bộ hơn. Nhưng tất cả chúng sẽ là chuyện tương lai, khi mà “cơn khát” này qua đi và “các nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh tế…) cùng ngồi lại để bắt tay thực hiện. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một nền nông nghiệp như thế trong tương lai, bởi người nông dân là thành phần dễ tổn thương nhất khi thiên nhiên chuyển mình thì họ sẽ có cách chống lại sự chuyển mình ấy bằng tri thức, kinh nghiệm và đức tính cần cù, ham học hỏi, dám nghĩ, biết làm, tương trợ nhau của bà con nông dân Nam bộ.
Dẫu đất vẫn còn khô cứng, ao vẫn trơ đáy nhiều tháng trời chưa mưa nhưng những người nông dân chất phác, suốt năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn một niềm tin vào cơn mưa “tình trời” sắp đến, vẫn nụ cười lạc quan cho tương lại dẫu đắng lòng cơ cực.