Năng suất cao
Hiện với giá thị trường gần 40 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu lãi hơn 400 triệu đồng. Sau lứa cá này, gia đình anh tiếp tục thâm canh lứa hai.
Mô hình “sông trong ao” thực chất là việc nuôi cá trong một bể rộng khoảng 125m2, sâu 2,5m. Bể này được xây trong một ao lớn rộng khoảng 1ha. Trong bể được trang bị máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá, hình thành cho cá thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục 24/24 giờ. Dòng nước tuần hoàn đẩy chất thải của cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch. Bên ngoài bể, người nuôi tận dụng mặt nước có thể thả cá mè, rô phi hoặc thả bèo tây để hút chất thải từ bề ra. Đây là những điểm khác biệt của mô hình nuôi cá “sông trong ao” so với phương pháp nuôi truyền thống.
Cuối tháng 5- 2018, được sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Chi cục Thủy sản tỉnh và UBND huyện Hiệp Hòa, anh Thành xây hệ thống “sông trong ao”. Lứa đầu thả 40.000 con cá rô phi đơn tính.
Theo anh Thành, mô hình này cho hiệu quả cao vì hệ số sử dụng thức ăn giảm; tỷ lệ dịch bệnh thấp; cá tăng trọng nhanh, thịt săn chắc; chu kỳ chăn nuôi ngắn.
Nhiều tỉnh triển khai
Ngoài Bắc Giang thì ở Phú Thọ mô hình này cũng đang được đầu tư nhân rộng.
Anh Đặng Văn Dũng ở khu 6, xã Thượng Nông (huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ) là một trong những người đầu tiên trong tỉnh áp dụng mô hình nuôi cá “sông trong ao”. Gia đình anh Dũng có 41ha mặt nước nuôi chuyên canh các loại cá trắm, chép, rô phi. Mỗi năm, anh đầu tư cả trăm triệu đồng để nuôi thủy sản nhưng hiệu quả không cao. Tỉ lệ cá chết thường khoảng 20% vì thiếu ô xi do nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm, phải sử dụng chế phẩm xử lý nước. Hơn nữa, cuối mỗi vụ cá gia đình anh lại phải thu dọn ao nên chi phí sản xuất cũng tăng thêm.
Năm 2016, anh Đặng Văn Dũng được nghe chuyên gia người Mỹ nói về công nghệ nuôi cá “sông trong ao”. Nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm nên anh đầu tư gần 150 triệu đồng để xây thí điểm 1 bể (hay còn gọi là 1 lồ hoặc 1 máng) rộng 125m2. Ở mỗi bể anh bố trí 1 chiếc máy bơm để cho nước luôn lưu thông 1 chiều, tạo thành dòng sông nhỏ. Mỗi bể, anh thả gần 20.000 con cá giống, mật độ cao gấp đôi so với nuôi cá truyền thống. Cuối năm 2017, anh bán lứa cá đầu tiên và thu được kết quả bất ngờ. Chỉ 1 bể mà gia đình anh đã thu gần 25 tấn cá trắm, cá chép, năng suất gấp 3 lần so với trước, thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Anh Đặng Văn Dũng cho biết: “Cách nuôi này hiệu quả gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống. Nguồn nước luôn được lưu thông, cá ít dịch bệnh nên tỉ lệ chết chỉ còn 5%. Cá luôn vận động nên thịt cá dai ngon hơn, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Gia đình tôi đang dự kiến xây dựng thêm 1 bể nữa để thả cá rô phi và cá lăng”.
Ông Thiều Minh Thế ở xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy) cũng thực hiện mô hình nuôi cá “sông trong ao” từ năm 2017. Chỉ với 2 bể nuôi thử nghiệm, ông đã thu hơn 40 tấn cá, lãi trên 200 triệu đồng. Ông Thế cho biết: “Do xã Xuân Lộc nằm dọc bờ sông Đà nên nhân dân quanh vùng chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng nuôi cá lồng trên sông. Những năm gần đây tình hình thiên tai diễn biến bất thường, nhất là năm 2017, việc xả đáy của hồ thủy điện Hòa Bình đã khiến cho cá chết hàng loạt, các hộ nuôi cá lồng dọc sông Đà bị thiệt hại nặng nề. Do vậy, khi tìm hiểu về mô hình “sông trong ao” tôi thấy khá hiệu quả nên thí điểm nuôi 2 bể và đã thành công ngoài mong đợi”.
Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Phúc - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, được biết: Nuôi cá “sông trong ao” là quy trình công nghệ của Israel. Chi phí xây 1 “sông trong ao” khoảng 150 triệu đồng, cao hơn 2 - 3 lần so với ao nuôi truyền thống nhưng thời gian sử dụng “sông trong ao” có thể lên tới hơn 20 năm. Đặc biệt, mô hình này cho phép nuôi cá với mật độ cao gấp 3 lần ao thường, nuôi được nhiều vụ trong năm nên năng suất, sản lượng cũng cao gấp 3 lần ao thường. Nuôi cá theo cách truyền thống chi phí sản xuất khoảng 25.000 đồng/kg, nuôi theo mô hình này chi phí giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Nuôi cá theo cách truyền thống thường gặp rủi ro về thiên tai và dịch bệnh. Ảnh: Phutho.gov
Với công nghệ mới này, điểm quan trọng nhất là người nuôi phải duy trì máy thổi khí 24/24 giờ. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra và vệ sinh lưới lọc, các màng chắn và các đầu thổi khí để đảm bảo lưu lượng nước luôn tuần hoàn trong hệ thống sông. Ưu điểm vượt trội của công nghệ là thu gom chất thải, thức ăn dư thừa triệt để giúp môi trường nước luôn được đảm bảo, cá được nâng cao sức đề kháng, giảm dịch bệnh.