Làng cá chình Tân Thành trước sức ép ... nhường đất

Nhắc đến làng cá Tân Thành, hầu như người dân nào sống ở Cà Mau cũng đều biết đến và đây cũng là đề tài “nóng” một thời làm tốn kém nhiều bút mực, thước phim của các nhà báo, phóng viên trong và ngoài tỉnh, bởi hiệu quả mô hình mang lại cho nông dân xứ này không thể ngờ tới.

Làng cá chình Tân Thành trước sức ép ... nhường đất
Niềm vui trúng mùa cá chình của lão nông Nguyễn Hữu Ánh.

Nhớ lời Thủ tướng, lòng tôi quặn thắt!

Đất lành, cùng với những người nông dân cần cù, sáng tạo đã góp phần tạo nên thương hiệu cá chình Tân Thành và chinh phục được cả khách hàng khó tính Nhật Bản. Minh chứng là thời gian qua, đã có công ty liên kết mua cá chình của bà con, rồi xuất khẩu sang thị trường nước Nhật, tạo đầu ra ổn định cho nông dân ở làng cá Tân Thành nói riêng, nông dân phường Tân Thành và xã Tân Thành (TP. Cà Mau) nói chung. Thế nhưng, vài tháng gần đây, những lão nông có thâm niên 10 năm, 20 năm gắn bó với con cá chình nơi đây lâm vào cảnh ăn ngủ không yên khi phải đứng trước sức ép “nhường đất” cho Dự án Khu đô thị cao cấp Happy Home - dịch nôm na là “ngôi nhà hạnh phúc”; nhưng trong thâm tâm người dân, đó là “cơn ác mộng” có thật, đang càn quét và làm đảo lộn tất cả cuộc sống vốn dĩ rất đỗi bình yên, hưng thịnh của bà con từ bấy lâu nay.

8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Hữu Ánh (Khóm 1, phường Tân Thành) khi biết ông từng được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ năm 2012 - 2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào tháng 10 năm 2017. Theo ông Ánh, thành tích cùng niềm vinh dự ấy tất cả đều bắt nguồn từ con cá chình, cùng với công lao hàng chục năm ông cất công gầy dựng. Khác với những lần gặp trước đây, để cùng ông san sẻ niềm vui sau những đợt trúng mùa cá chình, thu về tiền tỷ; rồi nhờ ông chia sẻ bí quyết nuôi cá để thông qua báo chí, chúng tôi tuyên truyền cho bà con cùng học hỏi, nhân rộng; lần này gặp, ông Ánh gượng cười, ánh mắt chất chứa nỗi buồn: “Trước nguy cơ mất đất, chú giờ như người mất hồn cháu à”, rồi ông chỉ lên tấm bằng khen mới toanh của Thủ tướng cùng với rất nhiều bằng khen, giấy khen cấp tỉnh, thành phố… được treo cẩn thận trên vách tường, giọng như muốn khóc: “Nhớ ngày nhận bằng khen, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay chúc mừng, trong lòng với bao cảm xúc dâng trào; rồi Thủ tướng còn nhắn gửi: “Chúc cho nông dân Cà Mau gặp nhiều may mắn trong sản xuất và phấn chấn nhiều hơn nữa nghen!”. Nhớ đến đấy lòng tôi quặn thắt, vì tôi đã nhận được thông tin, phần đất của gia đình cũng như hầu hết đất của người dân ở làng cá Tân Thành với khoảng 80ha thuộc Khóm 1, Khóm 2 nằm trọn trong quy hoạch, thuộc khu D của Dự án Khu đô thị cao cấp Happy Home…”.

Lời tâm sự của ông Ánh như điểm trúng nỗi đau chung của những lão nông, vốn là “bạn uống trà, bàn chuyện nuôi cá” của ông Ánh có mặt tại đó. Ông Nguyễn Cà Phin thở dài: “Đó giờ nhờ cá chình, bống tượng mà gia đình mới vượt qua giai đoạn khó khăn, tích góp tiền nuôi 2 con học đại học, nghe tin thu hồi đất, tôi chết lặng người. Thật sự chúng tôi không cần tiền bồi thường, mà chỉ mong có đất sản xuất, để đảm bảo cuộc sống lâu dài chứ không mong cầm tiền tỷ trong tay, tức thời, rồi không có việc làm, ăn không ngồi rồi thì núi còn lở. Với 6.000m2 đất, nhưng hàng năm gia đình tôi vẫn làm ra trên 200 triệu đồng đảm bảo kinh tế gia đình, lo cho 2 con học đại học và được lao động trên mảnh đất quê hương là niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi”. 

Uất ức, ông Hứa Văn Giáo, 66 tuổi, ngắt lời: “Tôi có khác gì các ông, nhờ nuôi cá mà 7 đứa con tôi đã trưởng thành, có cơ ngơi ổn định, đặc biệt tôi dồn hết công sức cho thằng út học đại học, thạc sĩ rồi nay đang học tiến sĩ bên Nhật, chi phí học tập bên nước ngoài đâu phải ít, sắp tới, không còn đất, tôi không biết phải xoay xở thế nào”. “Thì cắn lưỡi chớ sao nữa”, câu nói vui của ông Ánh giúp giảm bớt không khí căng thẳng đang bao trùm. 

Rồi để minh chứng cho hiệu quả mô hình nuôi cá chình, mà điển hình là thành tích của Câu lạc bộ (CLB) 200 triệu đồng/ha/năm, với 13 thành viên tham gia. Ông Nguyễn Hữu Ánh, Chủ nhiệm CLB đưa ra cuốn sổ ghi chi tiết lợi nhuận hằng năm của CLB có xu hướng tăng theo từng năm, dao động từ 190 - 240 triệu đồng/ha/năm; cùng với nhiều bằng khen, giấy khen từ tỉnh đến Trung ương tặng CLB: Bằng khen của Trưởng ban Dân vận Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Dân vận khéo, giai đoạn 2011 - 2015; 2 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong “Học tập, làm theo Bác và xây dựng nông thôn mới”; và có thành tích xuất sắc qua các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015…

Minh chứng trên giấy tờ như chưa đủ, ông Ánh cùng mọi người mời chúng tôi tham quan khuôn viên vườn cây ăn trái kết hợp nuôi cá chình, nơi mà những ngày qua các chú quyết tâm bám giữ, chờ hướng giải quyết thỏa đáng. 

Dưới cái nắng bỏng rát, con đường đất đen đưa chúng tôi băng qua cánh đồng rộng, hai bên bờ còn những đầm cá chình, bống tượng đang “bị” san lấp dở dang. Hỏi ra thì đây vốn là nơi hình thành “làng cá chình Tân Thành” một thời gây tiếng vang khắp cả nước. Chỉ tay về phía các đầm cá hoang tàn, ông Ánh lắc đầu: “Tiêu tan hết rồi, còn đâu…”!

"Tôi hỏi các cán bộ đến vận động nhận tiền bồi thường và thu hồi đất: Lấy đất rồi, chúng tôi làm nghề gì để nuôi gia đình sau này, thì các chú ấy bảo sẽ có hướng chuyển đổi ngành nghề giúp có thu nhập, mà thử hỏi chúng tôi nay ở tuổi thất thập hết rồi mà còn làm nghề gì ra tiền, có nguồn thu ổn định hơn cái nghề nuôi cá này, chỉ tôi xem… thì các chú nín thinh !…"

Ông Sầm Văn Đảm.

Đặt mình vào vị trí của nông dân

Xe chạy khỏi cổng dự án Khu đô thị cao cấp Happy Home được một dãy đất, đi bộ qua con kênh nhỏ, thật bất ngờ khi phía trước chúng tôi hiện ra một khu vườn xanh mướt đủ loại cây trái, nói đúng hơn như một nông trại xanh - mà hễ ai nhìn thấy đều mơ ước sở hữu. Đây là khu vườn cây ăn trái kết hợp nuôi cá chình của ông Nguyễn Hữu Ánh, gầy dựng gần hơn 20 năm mới có được, ông cũng là người đầu tiên ở địa phương thử nghiệm thành công và khơi dậy phong trào nuôi cá chình ở Tân Thành từ những năm 1995. Từ đó, những hộ xung quanh làm theo… và làng cá chình ở Tân Thành hình thành từ ấy đến nay.

Dù đi dưới cái nắng chói chang, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí trong lành, mát mẻ dưới bóng dừa xanh tốt, trĩu buồng. Thưởng thức nước dừa hái tại vườn, ngắm những lượn sóng dưới ao do đàn cá chình tạo ra; đến những đám rau má phủ xanh trên mặt liếp; những con kênh nhỏ thì ông Ánh thả cá đồng và dù mùa hạn nhưng xoài, mãng cầu ta, ớt... ông Ánh trồng vẫn sai trái. Ông Ánh khoe: “Tổng diện tích khuôn viên khu vườn này gần 4ha, tôi trồng được 650 gốc dừa; hàng trăm gốc xoài, mít, đu đủ, mãng cầu...; 30 hầm cá chình và hầu hết các bờ liếp được trồng rau má, ớt… Tính riêng nguồn thu nhập từ rau màu, cây ăn trái hằng năm trên 80 triệu đồng; còn cá chình từ 1 - 1,5 tỷ đồng”.

Cùng đi với chúng tôi còn có ông Sầm Văn Đảm, ông cho biết: “Cháu thấy đó, từ mô hình của ông Ánh, mà cả làng này đều làm theo, bản thân tôi cũng làm theo và mô hình cũng đang phát huy hiệu quả. Nên khi hay tin đất bị thu hồi, chúng tôi không đành lòng giao. Có đặt mình vào vị trí của những người nông dân, mới thấu hiểu được cảm giác của chúng tôi lúc này. Từ đất hoang hóa, chúng tôi ra sức khai phá, vun bồi, đào ao, chia khoảnh, hầu hết thời gian làm việc ngoài đồng: Cầm con dao chít từng bụi cỏ; ra sức trồng cây, tưới tiêu; cho cá ăn, quan sát biểu hiện con cá hằng ngày, hằng giờ… Khó khăn lắm chúng tôi mới làm nên sự nghiệp, nay bỗng dưng xuất hiện một dự án bảo thu hồi đất dân, bồi thường với giá “dưới đất” (190 - 340 ngàn đồng/m2) rồi bán lại cho chính chúng tôi với giá “trên trời” (4 - 7 triệu đồng/m2 - tùy vị trí) sao mà chúng tôi chấp nhận được”. Chưa hết bức xúc, ông Đảm cho biết: “Mà có lấy tiền bồi thường đi mua đất nơi khác, cải tạo nuôi cá trở lại thì tôi cam đoan rằng, không nơi nào nuôi đạt hiệu quả và an ninh tốt bằng nơi này”.

Chị Trần Thị Phương Mai, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Mai Trang, người rất tâm đắc và mong muốn con cá chình Tân Thành vươn xa hơn nữa sang thị trường nước ngoài cũng có mặt cùng chúng tôi tại khu vườn ông Ánh, chị Mai chia sẻ: “Thời gian qua, công ty của chúng tôi đã liên kết được với nông dân thu mua cá chình thương phẩm, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá ổn định. Sắp tới, họ có dự định tham quan thực tế và đầu tư vốn giúp bà con phường Tân Thành mở rộng diện tích nuôi, nhằm tạo nguồn cá thương phẩm ổn định cung cấp cho đối tác. Thế nhưng, với tình hình như hiện nay, tôi rất lo lắng mình sẽ đánh mất cơ hội tốt để phát triển thương hiệu cá chình Tân Thành”.

Làng cá có nhiều tỷ phú

Ông Ngô Minh Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Tôi từng đến tham quan trực tiếp làng cá Tân Thành, quả đây là mô hình hiệu quả trong nhiều năm qua, được nhiều cấp biểu dương khen thưởng. Cũng từ ấy mà nhiều nông dân trở thành tỷ phú, hình thành làng tỷ phú. Cũng là “địa chỉ đỏ” của nhiều đoàn khách, báo, đài địa phương, Trung ương, các tỉnh bạn đến tham quan, ghi hình học tập kinh nghiệm, nay trước nguy cơ “xóa sổ” thì thật là đáng tiếc”.

Thay vì phải xây dựng, thực hiện thí điểm các mô hình để rồi nhân rộng, tốn kém thời gian, kinh phí, nhưng hiệu quả đôi khi mang lại không như ý, trong khi làng cá chình Tân Thành mà điển hình là CLB cánh đồng 200 triệu vốn đang hoạt động hiệu quả thì cần nên cân nhắc trước khi có quyết định giải tán, thu hồi. Thiết nghĩ, chỉ thị hay bất cứ quyết định, đề án nào từ cấp Trung ương đến địa phương nếu trong quá trình triển khai thực hiện thấy không mang lại hiệu quả thiết thực, chưa đảm bảo nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng cho dân đều có thể điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung… để thực sự đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Chia tay các chú và vườn cây ăn trái xanh mát, mà lòng không muốn rời; đi trên cây cầu dừa bắc qua con kênh nhỏ, nghe đâu mới năm vừa rồi tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng nạo vét, khơi thông con kênh này, nhằm tạo điều kiện để người dân phường Tân Thành phát triển nghề cá chình. Nhưng nay, con kênh này bị công trình dự án đắp chặn từng đoạn cho xáng đi qua san lấp mặt bằng nơi các gia đình đã giao đất. Nghĩ tới khu vườn của ông Ánh và làng cá Tân Thành sẽ bị san bằng, là người ngoài cuộc như tôi chỉ 1 - 2 lần đến nơi này còn thấy xót, huống chi đó là thành quả của mồ hôi, nước mắt cả một đời người gầy dựng mới có được. Đối với họ, thành quả ấy không thể nào quy đổi thành tiền, bởi lẽ dù tiền tỷ vẫn không hề xứng đáng. Hiện người dân ở làng cá Tân Thành đang mong mỏi, chờ một “phép màu” để giúp họ thực hiện cái quyền rất đỗi bình dị, đáng có của người nông dân - được bám đất, bám vườn và làm giàu trên mảnh đất quê hương…


Báo Đất Mũi
Đăng ngày 25/05/2018
Loan Phương
Nông thôn

Bình Định tiếp tục hỗ trợ chi phí nguyên liệu cho 07 tàu cá trong đợt bổ sung năm 2023

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa có quyết định số 3840/QĐ-UBND ngày 05/11/2024 phê duyệt đợt bổ sung năm 2023 cho các tàu cá được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Tàu thuyền
• 09:39 26/11/2024

Chứng nhận ASC cho 1.860 ha tôm-rừng của 375 hộ dân

Ngày 21/11/2024, ở xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển, Cà Mau), 1.860 ha tôm-rừng của 375 hộ dân được tổ chức Bureau Veritas trao chứng nhận ASC và đây là chứng nhận ASC nhóm cho tôm-rừng đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Tôm rừng
• 09:33 26/11/2024

Giới thiệu cho ngư dân về một số thiết bị mới trong khai thác thủy sản

Ngày 24/10/2024, tại phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn), Trung tâm Khuyến nông Bình Định tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với 70 ngư dân khai thác thủy sản của các phường Hoài Hương, Hoài Thanh và xã Hoài Hải về một số thiết bị mới trong khai thác thủy sản.

Các cơ quan chuyên môn
• 13:55 29/10/2024

Tập trung chuyển giao kỹ thuật nuôi một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định.

Cá điêu hồng
• 10:34 21/10/2024

Cách tăng cường hoạt tính của các Enzyme tiêu hóa

Trong nuôi tôm, một trong những yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng và sức khỏe của tôm chính là hệ tiêu hóa. Các enzym tiêu hóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôm cũng có đủ enzym tiêu hóa hoặc enzym tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Sau đây là một số cách tăng cường hoạt tính của các Enzym tiêu hóa cho tôm.

Tôm thẻ chân trắng
• 11:17 29/11/2024

Giải pháp giúp giảm hao hụt trong quá trình vận chuyển thủy sản xuất khẩu

Ngành thủy sản xuất khẩu đang đối mặt với thách thức lớn về việc duy trì chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm trong quá trình vận chuyển quốc tế. Đây là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến uy tín và giá trị kinh tế của ngành thủy sản Việt Nam.

Thủy sản
• 11:17 29/11/2024

Vai trò của các thành phần ion đối với sự phát triển của tôm

Để vụ nuôi tôm được thành công thì việc quản lý chất lượng, môi trường nước ao nuôi là một trong những yếu tố chủ chốt không thể bỏ qua, ngoài những thông số chính thì các thành phần ion trong ao cũng đóng vai trò quan trọng không kém đối với sức khỏe và sự tăng trưởng của tôm.

Tôm thẻ
• 11:17 29/11/2024

Lợi ích và tác động của thực phẩm thủy sản đối với chế độ ăn kiêng hiện nay

Thủy sản không chỉ là nguồn thực phẩm ngon miệng mà còn là lựa chọn lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm một chế độ ăn kiêng lành mạnh. Với hàm lượng protein cao, ít calo và chứa nhiều omega-3, thủy sản đang ngày càng được ưa chuộng trong các chế độ ăn giảm cân và duy trì sức khỏe.

Thủy hải sản
• 11:17 29/11/2024

Khi mua men vi sinh cần quan tâm

Men vi sinh không chỉ là một sản phẩm hỗ trợ mà còn là yếu tố quyết định thành bại trong nuôi trồng thủy sản. Việc chọn lựa sản phẩm phù hợp có thể giúp người nuôi cải thiện môi trường ao, giảm nguy cơ dịch bệnh và nâng cao năng suất.

Ủ men vi sinh
• 11:17 29/11/2024
Some text some message..