Thực hư loài sứa có khả năng quay ngược thời gian
Theo Science Alert, sứa bất tử (tên khoa học: Turritopsis dohrnii) thuộc họ hải quỳ và san hô là một sinh vật nhỏ bé đã trôi dạt dưới biển từ thời kỳ khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm.
Năm 1883, giới khoa học lần đầu tiên mô tả sứa bất tử, nhưng đến một thế kỷ sau thì người ta mới phát hiện khả năng quay ngược chu kỳ sống của nó trong quá trình quan sát chúng khi nuôi nhốt.
Trước đây, sứa bất tử có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, nhưng hiện nay chúng được tìm thấy gần như khắp các đại dương trên thế giới.
Về mặt sinh học, loài sứa này có một đời sống vĩnh hằng và đặc điểm thú vị này đã khiến chúng nổi tiếng. Có lẽ vì lý do này mà người ta đã gọi Turritopsis dohrnii với cái tên có phần phóng đại là sứa bất tử.
Dù nhiều loài sứa cũng sở hữu một số năng lực quay về trạng thái ấu niên, nhưng khi đạt đến ngưỡng trưởng thành về giới tính thì năng lực này sẽ mất đi. Tuy nhiên, sứa bất tử lại là trường hợp ngoại lệ. Do đó, chúng được mệnh danh là “trùm cuối” bởi khả năng tái tạo của chúng dường như là một vòng lặp vô tận.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences, loài sứa Turritopsis dohrnii là loài duy nhất từng biết đến có khả năng quay ngược về trạng thái ấu niên sau khi đến tuổi sinh sản (chu kỳ sống).
Có thể nói, sứa bất tử là loài duy nhất có thể đảo ngược quá trình lão hóa để kéo dài cuộc sống tới 10 lần trong hai năm.
Tùy vào điều kiện sống mà sứa bất tử sẽ trải qua 2 hay 4 giai đoạn tái sinh trong đời
Bí quyết “trường sinh bất tử” của sứa Turritopsis dohrnii
Giống như những loài sứa khác, sứa bất tử trải qua chu kỳ sống gồm 2 giai đoạn. Thời gian đầu, chúng tồn dưới dạng vô tính để vượt qua giai đoạn “đói kém” vì thiếu thức ăn trên thềm biển. Sau đó, chúng lại chuyển sang giai đoạn sinh sản hữu tính và từ đây chúng được biết đến là loài duy nhất có thể trẻ lại sau khi sinh sản hữu tính.
Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường thì vòng đời của nó sẽ trải qua 4 giai đoạn. Cụ thể là:
Giai đoạn 1: Quá trình giao hợp giữa sứa đực và sứa cái sẽ tạo ra ấu trùng.
Giai đoạn 2: Sau đó, ấu trùng bám vào đáy biển và tạo thành một khối polyp tương tự như một con hải quỳ.
Giai đoạn 3: Từ khối polyp ban đầu từ từ giải phóng sứa non. Khi sứa lớn lên thì sinh sản và vòng tròn lặp lại từ đầu. Cần lưu ý rằng nếu môi trường có sự biến động lớn, sứa bất tử sẽ thay đổi chu trình này.
Giai đoạn 4: Một lần nữa, sau khi sinh sản xong, sứa sẽ đảo ngược quá trình phát triển và trở lại thành các khối polyp nằm dưới đáy biển.
Sở dĩ những con sứa bất tử có xu hướng đảo ngược chu kỳ sống là do chúng muốn lẩn tránh né tuổi già và “tử thần”. Theo các nhà nghiên cứu, bí quyết “trường sinh bất tử” của loài sứa này nằm ở việc chúng sở hữu những biến thể trên chuỗi gen có thể giúp chúng sao chép và sửa lỗi ADN hiệu quả hơn.
Mất 100 năm để giới khoa học phát hiện bí mật “bất tử” của loài sứa này
Đồng thời, sứa bất tử dường như còn có khả năng bảo tồn được telomere - đầu mút của các nhiễm sắc thể. Thông thường, ở người và một số động vật khác, chiều dài của telomere bị rút ngắn khi tuổi thọ càng tăng cao.
Nhìn chung, sứa bất tử gần như sở hữu năng lực “trường sinh bất tử” đáng ngưỡng mộ và cũng gợi mở ra nhiều định hướng nghiên cứu về xu hướng lão hóa cũng như tình trạng sức khỏe suy giảm khi già đi ở con người.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng tuyên bố rằng hiện thực hóa mong muốn trẻ mãi không già hay khả năng chống lão hóa “đỉnh của chóp” như loài sứa sẽ không thể nào hoàn thành được. Nói theo cách của nhà sinh vật học biển Maria Pascual Torner là: “Thật sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta sẽ bất tử như loài sứa này, bởi vì chúng ta không phải là sứa”.