Cá luôn có một mùi tanh đặc trưng nên trước khi tẩm ướp và kho, bạn cần ghi nhớ một số mẹo để chế biến món này không còn mùi tanh và thêm phần hấp dẫn.
Mẹo chọn cá ngon
Tốt nhất bạn hãy chọn mua những con cá đang sống, nếu mua cá đã chết thì hãy lưu ý một số điểm dưới dây:
Bạn hãy nhìn bề ngoài cá, nếu còn nhớt bóng, mắt cá còn trong suốt, vảy cá không rời ra, mang cá còn hồng, bỏ con cá vào nước thì cá chìm xuống, đó là con cá tươi.
Còn nếu bề ngoài cá có dịch dính, mắt lõm xuống, vảy cá dễ rơi ra, có màu nhợt nhạt, thịt cá không còn đàn hồi, bụng cá và hậu môn cá trương ra, bỏ vào nước cá nổi, thì con cá đó đã bị ươn.
Cá có màu trắng hoặc vàng thì thịt mới ngon. Cá có màu đen thường là cá ở ao rãnh, thịt ăn dở.
Mua cá thì đừng ngại việc bẩn tay, vì ngại sẽ dễ mua phải cá không ngon. Hãy vạch mang cá ra xem, nếu mang còn đỏ là cá tươi nhưng nếu nó trắng bệch hoặc thâm là cá ươn.
Cần lựa chọn cá kĩ càng vì nếu cá còn tươi ngon thịt cá sẽ không bị tanh quá nhiều và việc khử tanh sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ảnh: Worldwideaquaculture
Mẹo ướp cá giúp khử hết mùi tanh
Trước khi tiến hành ướp, bạn cần chú ý làm sạch cá:
Với cá biển, nên chọn cá tươi, mắt cá trong, mang đỏ và thân cá còn độ đàn hồi, rắn chắc. Nên rửa cá bằng nước muối, loại bỏ hết mang cũng như máu tanh của cá trước khi chặt, ướp.
Với các loại cá sông, ngoài mùi tanh của cá còn mùi tanh của bùn. Dùng nước muối để rửa hoặc dùng muối xát lên cá, khi chế biến, cá sẽ không còn tanh.
Riêng cá lóc, cần lạng bỏ phần da và vảy cá. Chú ý với hai vảy tanh ở sát đầu cá, phải loại bỏ cũng như bỏ chỉ tanh ở sát xương sống lưng của cá.
Lưu ý: Cá sau khi làm sạch rửa bằng nước sạch, sau đó lấy rượu gừng rửa cả bên trong lẫn ngoài con cá. Để cá vào cái rổ, đổ nước nóng khoảng 70 - 80 độ lên khắp con cá. Điều này giúp cho thịt con cá săn chắc lại. Chú ý để cá trong cái rổ thưa, nước nóng tưới vào con cá không được quá nóng và phải thoát đi luôn tránh cá bị ngâm nước nóng bị tróc da. Sau đó để cho róc nước.
Tùy theo từng món chế biến, khi ướp cá có thể ướp với vài giọt chanh nhằm giúp mất mùi tanh.
Khi chế biến, một số món chiên có sốt chua ngọt hoặc làm nước mắm, có thể thêm gừng giúp khử tanh (như trong món cháo cá, cá thu chiên sốt chua ngọt, món cá trê chiên ăn với nước mắm gừng). Sau khi sơ chế, cần thấm khô cá rồi mới chế biến để giảm mùi tanh.
Nếu làm món cá chiên, nên để thật ráo, sau đó tẩm cá qua một lớp bột tẩm khô (bột năng, bột mỳ, bột chiên giòn) rồi chiên.
Với các món cá kho, chú ý tẩm ướp với gia vị, nước màu cho cá thật thấm. Khi bắt đầu kho thì không đảo, trộn nhiều, cũng không để nước kho cá sôi mạnh dễ làm cá vỡ nát.
Với món luộc hoặc hấp thì cá vừa chín lấy ra dùng nóng, không hấp hoặc luộc quá kỹ làm cá nát đồng thời thịt cá bị khô, mất đi độ ngọt.
Ngoài gừng ra vẫn còn có rất nhiều nguyên vật liệu khác có thể dùng để ướp hoặc để khử mùi tanh của cá. Ảnh: ngonaz.com
Lưu ý:
Khi chế biến các loại cá bạn nên chú ý làm sao để giảm độ tanh tối đa bằng việc sử dụng những loại gia vị và cách chế biến nhất định như rửa cá bằng muối, loại bỏ mang và máu tanh của cá.
Chú ý với các món kho, không nên đảo nhiều, trộn nhiều làm nát cá và dễ bị vỡ mật cá gây ra vị đắng.