Vào năm 2014, những tưởng con đường trở thành doanh nghiệp tỷ đô của Minh Phú không còn xa nữa. Thế nhưng, những biến động của thị trường trong năm qua lại làm cho con đường này thêm xa.
Lao dốc
Năm 2014, Minh Phú đạt mức lãi ròng gần 800 tỷ đồng, cũng là con số cao nhất trong lịch sử phát triển của công ty. Tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4/2015, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú tự tin với chuỗi nuôi tôm khép kín, chủ động nguồn nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, Minh Phú xây dựng được chuỗi giá trị tôm từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu, phân phối và đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu tôm nên ông Quang cho rằng, công ty hoàn toàn nắm trong tay khả năng điều tiết thị trường và có thể đạt được mọi mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng.
Các nhà đầu tư lúc đó không mấy nghi ngờ về điều này, vì Minh Phú luôn có sự tăng trưởng đều về doanh thu lẫn lợi nhuận, vượt qua các thời kỳ thị trường thủy sản gặp các biến cố tiêu cực. Nhưng sau tuyên bố nói trên của ông Quang, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Minh Phú đều giảm mạnh. Kết thúc năm 2015, doanh thu và lãi ròng của Minh Phú lần lượt đạt 12.286 tỷ đồng và 32,4 tỷ đồng. Tính ra, doanh thu giảm 18,6% so với năm 2014, còn lãi ròng giảm gần 96%. Nếu tính theo quý, đã xuất hiện các khoản lỗ vào quý II/2015 (14 tỷ đồng) và quý IV/2015 (34,7 tỷ đồng). Đã lâu lắm rồi, kể từ năm 2008, Minh Phú mới rơi vào tình trạng này.
Như vậy, chỉ trong vòng một năm, từ mức gần 800 tỷ đồng, giờ đây khoản lãi của Minh Phú đã teo tóp đi chỉ còn vài chục tỷ đồng, cho thấy công ty đang phải đối diện với hoạt động kinh doanh khắc nghiệt như thế nào. Sự chủ động xây dựng chuỗi giá trị con tôm của Minh Phú nhằm cố gắng hóa giải các rào cản kỹ thuật và thương mại của các nước nhập khẩu đã không thể chống chọi được trước những biến động của thị trường.
Ngấm đòn nặng nhất chính là tỷ giá. Minh Phú không thể kiểm soát yếu tố này. Các nước cạnh tranh với Việt Nam trong xuất khẩu tôm như: Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan đều có sự hỗ trợ từ chính sách tỷ giá. Đồng tiền các nước này giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ, trong khi đồng Việt Nam chỉ giảm giá nhẹ, kết quả là tôm các nước có giá rẻ hơn tôm Việt Nam tới 20%.
Thiệt hại do tỷ giá của Minh Phú là khá lớn, chỉ cần đồng đô la Mỹ mạnh lên 2% là Minh Phú đã mất đi gần 70 tỷ đồng và đồng Yên Nhật yếu đi 1% là mất ngay gần 30 tỷ đồng lợi nhuận. Tổng cộng, trong năm 2015 Minh Phú lỗ từ chênh lệch tỷ giá gần 200 tỷ đồng.
Minh Phú còn tỏ ra yếu thế với đối thủ cạnh tranh tại thị trường Mỹ (thị trường chủ lực của doanh nghiệp) khi liên tục bị áp thuế chống bán phá giá cao, có thời điểm lên đến gần 5%. Điều này dẫn đến các nhà nhập khẩu Mỹ ưu tiên mua tôm từ các nước Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ với mức thuế thấp hơn. Nguồn cung lớn và giá rẻ từ các đối thủ đã khiến Minh Phú mất khả năng điều tiết giá trên thị trường. Điều này dẫn đến hệ quả là hàng tồn kho của Minh Phú tính đến cuối năm 2015 là trên 4.000 tỷ đồng.
Theo VASEP, thị trường tiêu thụ kém, giá xuất khẩu hạ và sự giảm giá của các đồng ngoại tệ khác so với đồng đô la Mỹ đã tác động mạnh đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng nặng nhất là mặt hàng tôm. Xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm 25-30% trong năm 2015, trong đó thị trường Mỹ giảm 39%, EU 19%, Nhật Bản 21%, Trung Quốc 19%, Hàn Quốc 24%. Doanh số bán tại các thị trường chủ lực của Minh Phú là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều giảm mạnh, lần lượt là 22,32%, 46,45% và 36,95%.
Trong khi Sao Ta, một doanh nghiệp lớn trong ngành tôm, chuyển hướng nhập khẩu tôm bán thành phẩm giá rẻ từ Indonesia và Ấn Độ và chế biến để xuất khẩu ngay nên giảm được rủi ro lỗ do giá tôm nguyên liệu xuống thấp, thì Minh Phú buộc phải thu hoạch tôm để trữ trong kho, khiến chi phí nợ vay tăng cao. Chưa kể, Minh Phú phải mua tôm từ nông dân với giá đảm bảo để người nuôi có lời, nhằm tránh việc nông dân rời bỏ chuỗi cung ứng. Hiện vùng nuôi tôm của Minh Phú rộng tới hơn 1.000 ha, chưa kể hơn 12.000 ha liên kết với nông dân.
Nói về cách kinh doanh tôm xuất khẩu của Sao Ta, không giống như nhiều doanh nghiệp khác chỉ xuất khẩu tôm đông lạnh, Sao Ta hướng đến sản phẩm tôm chế biến đem lại nhiều giá trị gia tăng. Cách làm này giúp Sao Ta tránh khỏi việc thị trường con tôm giảm giá thì giá bán cũng phải giảm theo. Theo tính toán của Sao Ta, nếu tôm công nghiệp đông lạnh chỉ có biên lợi nhuận khoảng 5% thì các sản phẩm chế biến như: tôm bao bột, tôm duỗi, tôm hấp chín… có lợi nhuận biên từ 9-33%. Minh Phú vẫn chưa thể theo kịp Sao Ta trong mảng này.
Quay trở lại với Minh Phú, doanh nghiệp này còn đối diện với các khoản bào mòn lợi nhuận khác đến từ chi phí trả lãi vay và chi phí bán hàng lần lượt là 217 và 729 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2015). Chi phí bán hàng tăng cho thấy, Minh Phú rất vất vả tìm đầu ra, buộc phải chi tiêu nhiều cho hoa hồng, chiết khấu để o bế nhà nhập khẩu, đại lý.
Vẫn mơ giấc mơ tỷ đô
Mục tiêu trở thành doanh nghiệp tỷ đô trong năm 2015 của Minh Phú giờ đây đã không thành, nhưng các chiến lược mà Minh Phú đang thực hiện cho thấy họ không dễ dàng từ bỏ mục tiêu.
Theo ông Lê Văn Quang, Minh Phú sẽ mở rộng thị trường sang Nga và Trung Quốc, đặc biệt Trung Quốc sẽ trở thành một trong những thị trường trọng điểm. Việc dịch chuyển thị trường này, một mặt nhằm nắm bắt cơ hội mới, mặt khác nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ thị trường truyền thống (nếu có), nhằm giúp duy trì doanh thu và lợi nhuận ổn định.
Hiện nay Minh Phú vẫn còn lợi thế tại các thị trường nước ngoài như Mỹ, EU, Nhật, vì mức thuế chống bán phá giá do Mỹ áp đặt đã giảm còn 1,39%. Trong khi FTA giữa Việt Nam và EU đã có hiệu lực. Minh Phú có lợi thế rất rõ so với các đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan về mặt thuế suất. Trong khi thuế suất với sản phẩm của Minh Phú ở mức 0% thì các đối thủ Thái Lan phải chịu mức 10%. Còn với thị trường Nhật – một thị trường vốn khó tính, nhưng biên lợi nhuận cao – với lợi thế có chuỗi khép kín nuôi con tôm nên Minh Phú đảm bảo được chất lượng tôm sạch, khắc phục được bệnh EMS và bệnh EHP nên vẫn sẽ duy trì được thị phần lớn tại đây.
Về cơ cấu sản phẩm, Minh Phú đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng giá trị gia tăng như: tôm Ring, tôm Nobashi, tôm Sushi, tôm tẩm bột, Tôm Tempura nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh và đạt được biên lợi nhuận tốt khi xuất vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Đây là những mặt hàng có ít đối thủ cạnh tranh vì đòi hỏi phải đầu tư lớn cho công nghệ.
Ngoài ra, Minh Phú còn có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị tôm toàn cầu. Mô hình này dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, trong đó doanh nghiệp làm đầu mối, hỗ trợ toàn diện về tài chính, quản lý, kiểm soát công nghệ… để phát triển chuỗi giá trị khép kín từ giống nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, kênh phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Mô hình sẽ có hàng vạn hộ nông dân tham gia liên kết trong chuỗi giá trị; ký kết hợp đồng cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm vi sinh và hướng dẫn và giám sát quy trình nuôi. Với chuỗi giá trị khép kín này, Minh Phú kỳ vọng cho ra những thành phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp giảm giá thành sản phẩm của toàn chuỗi trên 20%, trong khi khách hàng sẽ sẵn sàng mua thành phẩm với giá cao hơn 10-20% so với giá thị trường.
Minh Phú còn có tham vọng thành lập hệ thống phân phối ở thị trường quốc tế cùng với các cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi nhà hàng thủy sản, chuỗi các nhà hàng thức ăn nhanh thủy sản ở thị trường nội địa cũng như quốc tế.
Với lợi thế có chuỗi nuôi tôm khép kín, Minh Phú vẫn sẽ duy trì thị phần lớn tại Nhật, một thị trường khó tính nhưng biên lợi nhuận cao