Từ thực tiễn sản xuất thấy mô hình cá - lúa đã giúp bà con nông dân vùng lũ chuyển dịch sản xuất theo hướng sống chung với lũ, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Hiệu quả từ những mô hình
Để phát huy kết quả đạt được của mô hình cá - lúa, đồng thời tiếp tục nhân rộng sản xuất trong những năm tới, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang thực hiện 2 dự án nhân rộng mô hình kết hợp cá-lúa quy mô 2 ha với sự tham gia của 10 hộ tại hai xã Phú Cường (Cai Lậy), Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè). Các hộ tham gia dự án đều phấn khởi do đạt kết quả cao hơn mong đợi.
Ông Nguyễn Thành Đức (ấp 6, xã Phú Cường), cho biết, tham gia mô hình cá - lúa trên diện tích 0,25ha, ông được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí cá giống thả trực tiếp xuống ruộng lúa (7.500 con cá rô đồng, 2.500 con cá sặc rằn, 1.250 con cá mè Vinh và 1.250 con cá chép); đồng thời được hỗ trợ thêm 28% giá trị của 930kg thức ăn.
Sau 9 tháng nuôi, trọng lượng bình quân của cá rô đồng đạt 110g/con, sặc rằn 100g/con, mè Vinh 150 g/con, cá chép 300 g/con, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 1,2 tấn. Song song đó, ông Đức vẫn canh tác được 3 vụ lúa với năng suất bình quân 6 tấn/ha (cao hơn trước khi áp dụng mô hình 0,4 tấn/ha), trong khi chi phí trồng lúa giảm do giảm được chi phí phân, thuốc. Sau khi hạch toán, lợi nhuận từ mô hình cá-lúa của ông Đức đạt gần 22 triệu đồng/năm.
Tương tự, ông Võ Văn Đực (ấp 1, xã Phú Cường), tham gia dự án nhân rộng mô hình cá - lúa trên diện tích 0,2ha, cho biết, ông được nhà nước hỗ trợ cá giống và thức ăn nuôi cá theo mức chi của dự án. Kết quả ông thu hoạch được gần 0,9 tấn cá, trong đó có 0,5 tấn cá rô đồng; 0,13 tấn cá sặc rằn; 0,09 tấn cá mè Vinh và 0,18 tấn cá chép. Đồng thời, ông cũng trồng 3 vụ lúa với tổng sản lượng thu hoạch 3,5 tấn. Trừ chi phí, lợi nhuận từ 0,2ha mô hình cá - lúa của ông Đực đạt gần 17 triệu đồng/năm.
Theo ông Đực, khi tham gia mô hình cá - lúa, nông dân được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật, được hướng dẫn cách làm bờ bao, phân bố lịch thời vụ sản xuất. Sau khoảng 9 tháng nuôi, cá rô đồng đạt trọng lượng khoảng 112 g/con, cá sặc rằn đạt cỡ 90g/con, cá mè Vinh 122 g/con, cá chép 234 g/con.
Hiệu quả cao và bền vững
Mô hình kết hợp cá - lúa là giải pháp bền vững nhằm giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch, tiết kiệm chi phí, do giảm được 10 - 15% chi phí phân, thuốc trừ sâu.
Theo cán bộ khuyến nông huyện Cai Lậy, nuôi kết hợp lúa - cá (hai lúa - một cá, ba lúa- một cá), lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều so với ruộng không nuôi cá. Tuy nhiên, với mô hình này, vốn đầu tư cao và đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc cá, lúa. Cụ thể, ruộng nuôi phải đảm bảo nguồn nước tốt và không phèn. Kích thước ruộng nuôi tùy thuộc vào diện tích đất canh tác của nông hộ, bình quân từ 0,15-0,25 ha. Ao, mương có chiều rộng 2-4m, sâu 0,8-1m với diện tích chiếm khoảng 10-20% tổng diện tích ruộng nuôi.
Từ kết quả tổng kết thực hiện dự án cá - lúa của Trạm Khuyến nông Cai Lậy thấy, sau khi thu hoạch lúa vụ 3 vào tháng 9 cũng là thời điểm nước lũ về, cho cá lên ruộng ngập lũ có lưới bao xung quanh khoảng 3 tháng, đến khi gieo sạ lúa đông xuân vào tháng 12 thì rút cá xuống ao, mương để gieo sạ (giai đoạn tiến hành thu hoạch tỉa bớt cá lớn). Sau đó, tiếp tục gieo lúa giống mật độ thưa và sạ hàng với khối lượng 12kg/1.000m2; giảm sử dụng phân đạm vụ đông xuân khoảng 10-15% so với ruộng trồng lúa độc canh, đặc biệt không cần phun thuốc trừ sâu và thuốc trị bệnh lem lép hạt, khô cổ bông.
Bên cạnh lợi nhuận từ lúa, nông dân thực hiện mô hình cá - lúa còn thu hoạch được cá. Sau 9 tháng nuôi, cá có tỷ lệ sống trung bình khoảng 75%, cá sinh trưởng và phát triển tốt, kích cỡ tương đối đồng đều. Tổng sản lượng thu hoạch cá nuôi của các hộ nằm trong khoảng 645-1.200 kg/hộ, lợi nhuận bình quân 36,2 triệu đồng/ha. Ngoài ra, thức ăn thừa, phân cá là nguồn dinh dưỡng giúp lúa phát triển tốt, nhất là trong vụ đông xuân.
Nhiều triển vọng nhân rộng
Qua kết quả hạch toán sản xuất của các hộ thực hiện dự án nuôi cá kết hợp trồng lúa ở Cai Lậy thấy, đối với ruộng chỉ chuyên làm lúa 3 vụ/năm thì lợi nhuận đạt 45 triệu đồng/ha. Đối với ruộng kết hợp nuôi cá - lúa thì lợi nhuận từ lúa đạt 49.840.000 đồng/ha; ngoài ra còn có thêm lợi nhuận từ cá là 36,2 triệu đồng/ha. Tính ra lợi nhuận từ mô hình cá - lúa là 86,04 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với độc canh cây lúa.
Ông Phan Hữu Hội, Phó chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, cho biết, kết hợp cá - lúa là mô hình góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất, thay vào đó là sử dụng các chế phẩm sinh học nên an toàn cho con người và môi trường. Đồng thời, mô hình này giúp đa dạng hóa giống loài cá nuôi trong ruộng lúa, hạn chế tình trạng tập trung đầu tư vào một đối tượng, gia tăng thu nhập của nông hộ trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Ngoài ra, mô hình còn tạo ra sản phẩm cá, lúa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là cơ sở khoa học để có thể kết luận mô hình cá-lúa có triển vọng kinh tế cao, phù hợp với các vùng ngập lũ. Do đó mô hình cần được nhân rộng, giúp nông dân đa dạng hóa cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.