Qua thời gian, mô hình đã cho thấy có nhiều ưu điểm, con tôm và cây lúa trong quá trình nuôi trồng kết hợp đã tác động hỗ trợ cho nhau rất nhiều: tôm có nguồn thức ăn phong phú hơn, lúa có năng suất và chất lượng cao hơn, sản phẩm an toàn do ít sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất trong quá trình gieo trồng. Đặc biệt, hệ sinh thái được duy trì ở thế cân bằng, môi trường được cải tạo tốt hơn giúp mô hình phát triển ổn định và bền vững.
Qua thực tiễn sản xuất, quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh phù hợp với điều kiện của Bến Tre đã được hoàn thiện và áp dụng có hiệu quả. Quy trình cụ thể như sau:
1. Xây dựng ruộng nuôi tôm:
- Diện tích ruộng nuôi tôm từ: 0,5 - 1ha.
- Bờ ruộng nuôi phải chắc chắn, không mọi, bờ ruộng cao hơn mức nước cao nhất trong năm 0,5m.
- Mặt ruộng tương đối bằng phẳng, mức nước trên ruộng đạt 0,3m.
- Mương bao quanh rộng 2 - 5m, sâu 0,8 - 1,2m. Đáy mương bằng phẳng, dốc về phía cống thoát, diện tích mương chiếm 30% diện tích ruộng.
- Cống: có 1 cống lấy nước, 1 cống thoát nước, miệng cống 0,5 - 0,8m. Đảm bảo đủ lượng nước điều tiết khi cần thiết.
2. Cải tạo ruộng:
- Tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, rong rêu, vét bùn đáy mương, đắp bờ bao chắc chắn, phơi đáy mương 7 - 10 ngày.
- Bón vôi (CaCO3) với liều lượng 70 kg/1000m2.
- Lấy nước: Lấy nước vào ruộng nuôi qua lưới lọc từ cống, mực nước của mương nuôi từ 0.8 – 1,2m.
- Diệt tạp: Dùng rễ dây thuốc cá để diệt cá tạp, liều lượng 4 kg/1.000m3.
- Gây màu: Có thể bón phân NPK hoặc Urê hoặc lân... với lượng 3 - 6kg/1.000m2 hoặc có thể sử dụng phân hữu cơ 20 kg/1.000m2 để gây màu.
- Cần phải thả chà (nhánh cây khô, rụng lá, không chát) thành từng cụm hoặc rải rác khắp mương để làm nơi trú ẩn cho tôm.
3. Chọn và thả giống:
- Mùa vụ nuôi: chọn thời vụ thả nuôi tốt nhất từ tháng 5 đến tháng 7 và thu hoạch vào tháng 12 là phù hợp, không nên thả giống trễ nhằm tránh hiện tượng xâm nhập mặn cao làm tôm chậm lớn hoặc có thể gây chết.
- Chọn giống: sử dụng nguồn giống tôm càng xanh toàn đực, có kích cỡ từ: 1,2- 1,5 cm. Tôm giống phải đều cỡ, khỏe mạnh, không bị nhiễm ký sinh hoặc bị đục cơ và đã được cơ quan chức năng kiểm dịch.
- Mật độ thả: 2-3 con/m2
4. Quản lý cho ăn:
- Cho ăn: giai đoạn đầu tốt nhất nên cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, có độ đạm từ 25 – 32%, liều lượng cho ăn chiếm 3 - 5% trọng lượng thân/ngày. Giai đoạn sau có thể sử dụng thức ăn tự chế biến để hạ giá thành.
- Sử dụng sàng cho tôm ăn, cho tôm ăn 2 lần/ngày, sáng 1/3; chiều tối 2/3 lượng thức ăn, rải khắp ao, mặt khác cho vào sàng để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
- Kết hợp sàng ăn và chài kiểm tra thức ăn trong đường ruột tôm trước và sau khi cho tôm ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh cho tôm ăn thừa vừa gây lãng phí vừa làm ô nhiễm môi trường nước. Khi thời tiết thay đổi hoặc thời điểm tôm lột xác,... nên giảm lượng thức ăn cho phù hợp.
- Định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa,... trộn vào thức ăn cho tôm ăn nhằm giúp tăng cường sức đề kháng và giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn.
5. Quản lý môi trường
- Cần duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi trong ngưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng tôm càng xanh.
- Thay nước: cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20 – 50% nước trong ruộng nuôi. Khi cấp nước cho ruộng nuôi tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường bên ngoài và ruộng nuôi cho tương đồng.
- Cần bón vôi cho ruộng nuôi khi thay nước hoặc sau những cơn mưa lớn với liều lượng 3 kg/100m2.
6. Thu hoạch
Sau thời gian nuôi 4 – 5 tháng, bắt đầu thu tỉa những con tôm đạt kích cỡ thương phẩm, những con chưa đạt thì tiếp tục nuôi khoảng 6 - 7 tháng thì thu hoạch toàn bộ.
Để gia tăng năng suất và hiệu quả tôm nuôi, cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:
- Bẻ càng: sau khi thả nuôi từ 60 – 75 ngày có thể tiến hành bẻ càng nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (hạn chế ăn lẫn nhau) đạt giá bán cao khi thu hoạch. Tuy nhiên, việc bẻ càng cần phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật, tránh hao hụt sau khi bẻ càng.
+ Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên như cầm hai càng tôm và giũ.
+ Đối với chọn giống không là toàn đực nên tách riêng đực cái sau thời gian nuôi từ 75 – 90 ngày.
- Giăng lưới: Có thể tiến hành giăng lưới làm chỗ trú ẩn cho tôm trong quá trình lột xác. Diện tích giăng lưới chiếm từ 10 – 15% diện tích ao nuôi, lưới giăng cách mặt nước 30cm, mỗi sàn lưới có diện tích từ 1 – 2m2, kích cỡ mắt lưới phù hợp theo từng giai đoạn, thường sử dụng mắt lưới 2a từ 3 – 5 cm.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa đã mang lại hiệu quả thiết thực và khá ổn định, với lợi nhuận trung bình 40.000.000 đồng/ha, cao gấp 2 đến 3 lần so với độc canh cây lúa.
Với các chỉ tiêu được tính toán:
- Lúa: Năng suất 3.150 kg/ha - Giá bán: 6.000 đồng/kg
- Tôm: FCR: 1.2 - Tỷ lệ sống: 40% - Cỡ tôm thu hoạch: 35 g/con - Năng suất: 420 kg/ha - Giá bán: 200.000 đ/kg
Hạch toán hiệu quả kinh tế trên 1 ha như sau:
* Lúa
- Chi phí (giống, phân bón, công lao động…) = 12.000.000 đồng
- Thu: 3.150 kg x 6.000 đồng/kg = 18.900.000 đồng
- Lợi nhuận: 6.900.000 đồng
* Tôm càng xanh
- Chi phí (bao gồm chi phí cải tạo ao, vôi, giống, thức ăn, công lao động): 50.000.000 đồng
- Thu: 420 kg x 200.000 đồng/kg = 84.000.000 đồng
- Lợi nhuận: 34.000.000 đồng
* Tổng lợi nhuận: 40.900.000 đồng
Nhìn chung, mô hình canh tác tôm - lúa trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả rõ nét, thiết thực và ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, cân bằng môi trường sinh thái, cải tạo môi trường làm giảm dịch bệnh.
Đặc biệt, dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi” với quy mô 20 ha Trung tâm Khuyến nông Bến Tre thực hiện trong năm 2017 hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả trên nhiều mặt kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần vào sự thành công của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và đa dạng hóa đối tượng nuôi phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu - xâm nhập mặn đang ngày càng gay gắt.