Quảng Ninh là tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với nông nghiệp, Song để cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, thì nông nghiệp vẫn luôn có một vị trí quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh. Nắm bắt xu thế đó, Hội LHPN Quảng Ninh đă chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp khuyến khích chị em hội viên tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng những kỹ thuật nuôi trồng mới, từ đó tạo ra những đặc sản nông sản cho tỉnh, góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nông thôn mới tại địa phương.
Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất cho chị em phụ nữ, đồng thời khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương, trong thời gian qua Hội phụ nữ Quảng Yên đã khuyến khích hội viên phụ nữ đưa các mô hình mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Một trong những mô hình đang được chị em phụ nữ tích cực triển khai thực hiện là mô hình nuôi hà treo dây.
Mô hình nuôi hà này được triển khai từ năm 2012 bằng cách treo dây, với hình thức đem cọc tre, bạch đàn có chiều cao khoảng 2,5m, cắm sâu xuống đất, sau đó dùng dây cước buộc nối các cọc với nhau và đem dây xiên hà vào và treo lên. Khi thuỷ triều lên, hà sẽ ăn các chất phù du để sinh trưởng, ấu trùng hà trôi theo con nước, bám vào những vỏ hà treo sẵn ở dây, rồi cứ thế lớn dần. Mỗi năm chỉ thu hoạch hà 1 lần vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12 âm lịch. Vào vụ thu hoạch, bà con chỉ cần cắt dây cói mang về nhà để gỡ hà. Cách thu hoạch này vừa nhanh, tiện lợi và đơn giản.
Mô hình hà treo dây tại xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên)
Chị Vũ Thị Thoan, xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác Hà tự nhiên ở những bãi sú ven biển, nhưng do bà con nhân dân cùng tham gia khai thác nhiều nên số lượng Hà tự nhiên cũng dần khan hiếm. Qua quá trình tìm tòi, học hỏi gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi Hà bằng cách sâu vỏ hà thành từng dây treo ở khu vực bãi triều ven biển để ấu trùng hà sinh trưởng và phát triển. Qua một vụ thu hoạch, thấy hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư tre, dây cói để mở rộng diện tích nuôi trồng hà”.
Chị Nguyễn Thị Phương Oanh – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên cho biết: “Mô hình nuôi Hà bằng cách treo dây ở khu vực bãi triều ven biển là mô hình phát triển kinh tế mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và có mức đầu tư thấp, nhờ đó nhiều gia đình chị em phụ nữ đã vươn lên phát triển kinh tế, tạo nguồn thu thập ổn định. Không những thế, mô hình này còn tận dụng được số vỏ hà mà bà con nhân dân khai thác tự nhiên làm vật liệu tái chế cho vụ sản xuất, góp phần giúp cho môi trường nước được thanh lọc tốt hơn”.
Hà treo dây đã trở thành thương hiệu đặc trưng của xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên
Chị Oanh cũng cho biết thêm, những ngày đầu tiên triển khai mô hình này, khó khăn lớn nhất đối với các chị em phụ nữ tại xă Hoàng Tân là vấn đề về vốn. Để khuyến khích chị em mạnh dạn tham gia mô hình, Hội LHPN TX Quảng Yên đă đề xuất với tỉnh được vay nguồn vốn hỗ trợ từ TW Hội phụ nữ Việt Nam để giúp chị em giảm bớt khó khăn khi bắt đầu gây dựng mô hình hà treo dây.
Qua 3 năm triển khai và áp dụng mô hình hà treo dây, số hội hội viên phụ nữ tham gia nuôi hà dây của xă Hoàng Tân đã lên đến 698/745 tổng số hội viên, chiếm 94% tổng số hộ nuôi hà dây của xă Hoàng Tân. Với mô hình hà treo dây dễ làm mà đem lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp chị em phụ nữ của xã Hoàng Tân nói riêng, TX Quảng Yên nói chung thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đia phương.